Tỉnh Thừa Thiên Huế đang ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản... 2 tháng đầu năm nay, tỉnh đã cấp mới 8 dự án đầu tư, trong đó, 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 60 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 5.750 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, như: Dự án Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn-Lăng Cô, dự án Bến số 2 và Bến số 3 Cảng Chân Mây…
Riêng dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn-Lăng Cô do Công ty Cổ phần quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 100 héc ta, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào quý 1/2024.
Ông Phan Quang Minh, Giám đốc khai thác phát triển khu du lịch Minh Viễn cho biết, giai đoạn I của dự án với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019.
“Đến thời điểm hiện tại có thể nói dự án Minh Viễn đang được triển khai tương đối thuận lợi”, ông Minh cho hay.
Tại khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, từ một số ít dự án kinh doanh dịch vụ du lịch, công nghiệp và cảng biển ban đầu, đến nay đã thu hút gần 50 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 76.000 tỷ đồng.
Hiện khu kinh tế này đang thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, như: dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế với tổng vốn đầu tư 3.330 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao với vốn đăng ký 30 triệu Euro...
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để cấp phép đầu tư cho 3 dự án lớn khác, bao gồm: Dự án khu du lịch Lăng Cô-Đầm Lập An, vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng; dự án khu du lịch Bãi Cả với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng và dự án chợ Lăng Cô với tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng.
“Hiện nay trên địa bàn của Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như dự án bến số 2, bến số 3 Cảng Chân Mây, dự án đê chắn sóng của cảng Chân Mây cũng đã được triển khai. Các dự án về du lịch cũng đồng loạt triển khai sẽ tạo ra một bước đột phá rất lớn trên địa bàn khu kinh tế”, ông Tuệ nói.
Với lợi thế nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây... tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh này cũng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: giai đoạn 2019 đến năm 2020, tỉnh có chủ trương thu hút đầu tư khoảng 13 dự án phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
“Quy mô của nền kinh tế Thừa Thiên Huế vẫn còn nhỏ cho nên một trong những vấn đề quan trọng của tỉnh là phải mời gọi và phát triển các dự án có quy mô lớn để vừa thúc đẩy quy mô nền kinh tế, thứ hai tạo sản phẩm cho xã hội và đặc biệt tạo việc làm cho người dân trên địa bàn”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh./.
Nguồn VOV