Chủ Nhật, 24/11/2024 13:58:58 GMT+7
Lượt xem: 840

Tin đăng lúc 27-12-2020

Thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền ở TP HCM nhằm phát triển kinh tế

Trong chương trình chuyển đổi số, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, tất cả hồ sơ cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường được giải quyết qua mạng.
Thúc đẩy chuyển đổi số của chính quyền ở TP HCM nhằm phát triển kinh tế
Doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí khi chuyển đổi số.

Năm 2020, TP HCM phải căng mình chống dịch Covid-19, nhiều thành phần kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư sụt giảm. Bước sang năm 2021, để khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, thành phố xác định kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới. Trong đó, việc chuyển đổi số là hoạt động phải triển khai quyết liệt.

 

Đây được xem là quyết sách đột phá vào năm 2021 để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế của TP HCM. 

 

Đơn giản hoá thủ tục hành chính

 

Kể từ khi xảy ra dịch Covid-19, UBND Quận 3 đã áp dụng các biện pháp phòng chống, hạn chế giao dịch trực tiếp và ưu tiên thực hiện giải quyết hồ sơ trực tuyến. Do đã thực hiện khai hồ sơ trực tuyến trước đó, ông Trương Thanh Lộc (ngụ Quận 3) không mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan công quyền. Điều này giúp cho công việc của ông Lộc được hiệu quả hơn, giảm phiền hà và cũng phòng dịch tốt hơn.

 

Ông Lộc cho biết: “Trong mùa dịch này tôi rất ngại khi phải ra đường, nhưng dịch vụ công trực tuyến giúp tôi bớt đi lại nhiều lần, chỉ lên lấy hồ sơ. Tôi cảm giác an tâm hơn”.

 

Việc thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng nhờ nền tảng công nghệ chính là một nội dung của quá trình chuyển đổi số. Quá trình này còn bao gồm cả thay đổi cách thức quản lý, thay vì điều hành chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người thì nay ứng dụng khoa học công nghệ.

 

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận 3 cho biết, hiện nay quận đã thành lập và đưa vào khai thác trung tâm điều hành thông minh trong trụ sở ủy ban. Trước mắt mới khai thác ở khía cạnh theo dõi, quản lý lĩnh vực giao thông, tuy nhiên trung tâm này sẽ còn được cải tiến.

 

“Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng tích hợp nhiều nội dung, có thể điều hành những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự chẳng hạn. Tương lai là phải quản lý đô thị thông minh, Quận 3 là trung tâm TP HCM đòi hỏi việc quản lý phải hết sức khoa học và thông minh” - ông Bình chia sẻ.

 

Quận 3 cũng là địa phương đưa ứng dụng với tên gọi “Quận 3 trực tuyến” lên điện thoại thông minh. Đây được xem như một phương pháp số hoá khi mọi thông tin người dân cần tra cứu, thủ tục hành chính cần giải quyết hoặc phản ánh, kiến nghị ý kiến với chính quyền có thể được xử lý ngay trên điện thoại. Mặc dù vậy, ông Trần Thanh Bình đánh giá, người dân vẫn chưa quen với việc giải quyết công việc với chính quyền thông qua ứng dụng trực tuyến mà sẽ phải mất một thời gian nữa.

 

Cần thay đổi nhận thức của người dân

 

Ông Đào Ngọc Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Công ty Sao Mai cho biết, Công ty nhập khẩu các thiết bị phục vụ cho giáo dục, do đó thường xuyên phải làm việc với ngành hải quan, thuế. Việc chuyển đổi số mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể khai báo hải quan, nộp thuế trực tuyến, gần như cả năm không cần tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan này, giúp hạn chế được tiêu cực và tiết kiệm chi phí.

 

 

Chuyển đổi số sẽ giúp người dân thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục hành chính.

 

Theo ông Giang, lãnh đạo TP HCM đã nhận thức rõ và tích cực khuyến khích, thúc đẩy chuyển đổi số. Vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của người dân. Người dân cũng cần phải hiểu và yêu cầu được thụ hưởng lợi ích từ việc chuyển đổi số đem lại. Từ đó thúc đẩy ngược lại các cơ quan công quyền đẩy mạnh chuyển đổi số.

 

“Tôi thấy vô cùng tiện lợi nếu họ tham gia vào hoạt động này một cách đúng và đầy đủ, làm việc với chính quyền thông qua hệ thống một cửa. Nếu chúng ta chuyển đổi số một cách phù hợp, ứng dụng một cách phù hợp thì tiết giảm được rất nhiều chi phí. Tôi cũng tin là mọi người sẽ hạnh phúc hơn” - ông Giang cho biết.

 

Trong chương trình chuyển đổi số, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, tất cả hồ sơ cấp quận, huyện và 95% hồ sơ cấp phường được giải quyết qua mạng.

 

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đánh giá, quá trình chuyển đổi số tại TP HCM không gặp khó khăn gì. Cái gốc của vấn đề chuyển đổi số nằm ở chính quyền, về phía thành phố sẽ có những cơ chế, chính sách để khuyến khích. Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch chung, trên cơ sở đó các sở ngành, quận huyện sẽ triển khai.

 

Theo bà Trinh, khi thành phố đẩy mạnh công tác số hóa thì sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân. “Những nền tảng cơ bản để hướng đến việc thành phố xây dựng chính quyền số. Như vậy hoạt động quản lý Nhà nước dưới góc độ có hiệu quả, hiệu lực nhưng ngược lại là có cả sự tiện ích. Ví dụ như người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin như hướng sắp tới TP HCM xây dựng là không cần người dân phải kê khai nhiều lần mà chỉ một lần trên cổng dịch vụ công của TP và dữ liệu đó sẽ được sử dụng lại”.

 

Dịch Covid-19 vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là thời cơ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Trong đó, người dân là yếu tố quan trọng, là trung tâm của cả quá trình. Để việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, thì chính quyền thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện./.

 

Theo Vov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang