Chủ Nhật, 24/11/2024 05:44:05 GMT+7
Lượt xem: 978

Tin đăng lúc 18-09-2018

Thúc đẩy công nghiệp - thương mại Thủ đô tăng trưởng nhanh

Từ đầu năm đến nay, tất cả các chỉ tiêu phát triển của ngành công thương Hà Nội đều tăng trưởng, tuy nhiên chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế của một nền kinh tế đầu tàu của cả nước. Thời gian tới, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, định hướng các sản phẩm, lĩnh vực công nghiệp thế mạnh, có giá trị gia tăng cao để tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa.
Thúc đẩy công nghiệp - thương mại Thủ đô tăng trưởng nhanh
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty cổ phần Tâm Hợp (huyện Sóc Sơn)

Về thương mại, cần làm tốt công tác bình ổn thị trường song song với xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thương mại, tích cực ứng dụng, triển khai các loại hình thương mại mới, hiện đại, văn minh.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2017, kết quả phát triển kinh tế tám tháng đầu năm nay đều khả quan. Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 372.108 tỷ đồng, tăng 8,9%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 19%... Trong đó, nhóm ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có đà tăng mạnh với mức 7,4%, dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, đóng vai trò quan trọng và là động lực chính trong tăng trưởng. Ước tính cả năm 2018, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành công thương đều đạt chỉ tiêu HÐND thành phố giao.

 

Có được kết quả nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan là nhờ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ, hiệu quả của ngành. Sở Công thương cùng các sở, ban, ngành, hiệp hội liên quan tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai các đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp… cùng các cơ chế, chương trình hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn. Hiện nay, Hà Nội có chín khu công nghiệp và 79 cụm công nghiệp đang hoạt động, chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm năm khu công nghiệp, 73 cụm công nghiệp mới. Ngành công thương đang tích cực phối hợp các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao bắt kịp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Trong lĩnh vực thương mại, ngành công thương đã làm tốt công tác bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa… Tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Ðồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng như bốn trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì; cùng Tập đoàn Semaris (Pháp) chuẩn bị cho dự án Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm… Sở Công thương đang nỗ lực đưa lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại với những công nghệ, hình thức hoạt động mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

 

Tại buổi làm việc với Sở Công thương, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực mà ngành công thương đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý, trong lĩnh vực công nghiệp, tiềm năng phát triển của Hà Nội rất lớn, nhưng từ thời điểm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chững lại, một nguyên nhân là do giá đất tăng cao, không cạnh tranh được với các tỉnh lân cận. Do đó, Sở Công thương cần chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách để cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển các sản phẩm, lĩnh vực công nghiệp có thế mạnh, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao để tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Ðồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sau khi di dời khỏi nội đô vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp của thành phố.

 

Về thương mại, đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý Sở Công thương cần tiếp tục làm tốt công tác bình ổn thị trường song song với xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thương mại, tích cực ứng dụng, triển khai các loại hình thương mại mới, hiện đại, văn minh. Sở Công thương cần chủ động rà soát quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đi trước, đón đầu xu hướng đô thị hóa của thành phố; phát triển mô hình chợ nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch. Ðồng thời, tiếp tục có các giải pháp căn cơ, thực tế hơn trong công tác quản lý thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Sở Công thương cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Ðảng, rà soát lại và triển khai Ðề án vị trí việc làm, đội ngũ nhân sự, nâng cao năng suất lao động. Ðội ngũ lãnh đạo, cán bộ Sở mạnh dạn đổi mới, nâng tầm tư duy và hành động, tập trung đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển để theo kịp nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, không để tình trạng các dự án triển khai kéo dài, kém hiệu quả. Sở Công thương cần mở nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ và tham mưu các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế Thủ đô xứng tầm đầu tàu kinh tế của cả nước.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang