Trong hai ngày làm việc, hội thảo đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường khu vực APEC, xác định thách thức của các DNNVV trong việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường khu vực và toàn cầu; trao đổi kinh nghiệm, thông lệ tốt thúc đẩy các DNVVN tham gia vào thị trường hàng hóa và các dịch vụ môi trường, bao gồm: tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thông tin, các chương trình xây dựng năng lực, các gói khuyến khích của Chính phủ; tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách và các DN trong khu vực tham gia thảo luận, chia sẻ các biện pháp phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, làn sóng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và vấn đề tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGs) đã được đặt ra và ngày càng trở thành nội dung quan trọng trong đàm phán thương mại. Nội dung này được xem như một công cụ chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả chiến lược về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nền kinh tế, trong bối cảnh một số nền kinh tế đã và đang duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, nóng và ít nhiều gây ra những hệ lụy đối với môi trường.
Năm 2014, theo thống kê của các chuyên gia dựa trên danh mục phân loại của OECD, thương mại toàn cầu đối với EGs đạt khoảng 4 nghìn tỷ USD và dự kiến có thể đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hàng năm rất cao, khoảng trên 8%.
Không nằm ngoài xu hướng đó, APEC là một trong những diễn đàn khu vực đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại đối với EGs. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20 tại Vladivostok, Liên bang Nga, các nhà lãnh đạo APEC đã phê duyệt việc giảm thuế quan xuống 0-5% đối với 54 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa môi trường của APEC vào năm 2015. Đây là bước đi táo bạo của APEC, đặt tiền đề cho việc thúc đẩy đàm phán hiệp định nhiều bên về hàng hóa môi trường của WTO (EGA) bắt đầu từ năm 2014, với sự tham gia của 14 thành viên WTO.
Tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện có khoảng hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế được xếp vào DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Sự tồn tại và phát triển của loại hình DN này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần không nhỏ trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và phát triển bền vững của một nền kinh tế.
Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, đại diện các DN và tổ chức, hiệp hội trong và ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp, đề xuất các sáng kiến hợp tác chính sách thực sự hữu ích cho cộng đồng DNNVV. Kết quả của hội thảo này cũng sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC nhằm sớm biến các định hướng chính sách thành hiện thực.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử