Thứ Sáu, 22/11/2024 15:52:39 GMT+7
Lượt xem: 3594

Tin đăng lúc 18-06-2016

Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và sản xuất bền vững nghề nuôi ngao tỉnh Nam Định

Tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, chứng nhận đối với sản phẩm ngao; những thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp thu mua, chế biến; thúc đẩy liên kết sản xuất ngao theo chuỗi giá trị và đề xuất các giải pháp hỗ trợ áp dụng thực hành nuôi ngao theo tiêu chuẩn chứng nhận đáp ứng nhu cầu thị trường đối với ngành Ngao tại Nam Định... là những nội dung chính tại cuộc hội thảo diễn ra vào ngày 16/6 tại Nam Định.
Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và sản xuất bền vững nghề nuôi ngao tỉnh Nam Định
Tỉnh Nam Định xây dựng thành công thương hiệu ngao sạch Giao Thủy

Hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, Hiệp hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và sản xuất bền vững nghề nuôi ngao tại Nam Định, tìm hiểu nhu cầu của thị trường đối với ngành ngao nói chung và Giao Thủy – Nam Định nói riêng. Đồng thời, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp, hộ dân nuôi ngao nêu ra những khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết cũng như ghi nhận đóng góp của các cấp ngành địa phương.

 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Đến dự hội thảo có ông Phạm Mạnh Hà – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định; bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD); ông Nguyễn Văn Cửu – Chủ tịch Hiệp hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, kiêm Giám đốc DNTN Cửu Dung và đại diện các đơn vị liên quan.

 

 

Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD)

 

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản tại Nam Định đang phát triển mạnh, đặc biệt là nghề nuôi ngao tại huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng với diện tích trên 1.650 ha, sản lượng ngao năm 2015 đạt trên 28.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tại Giao Thủy tập trung chính ở 5 xã vùng đệm vườn Quốc gia Xuân Thủy. Hiện tại, ngao Nam Định đang được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc, EU và sắp tới là cả thị trường khó tính như Nhật Bản thông qua các nhà máy chế biến xuất khẩu phía Nam. Để tìm ra những hướng đi mới cho nghề nuôi ngao tại Nam Định, ông Nguyễn Văn Cửu – người đầu tiên đưa con ngao của Giao Thủy ra thị trường cũng là người đầu tiên làm nên thương hiệu cho sản phẩm “Ngao sạch Giao Thủy” đang kêu gọi hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản để tạo ra những sản phẩm ngao sạch công nghệ Nhật Bản, đồng thời cũng tạo ra được hướng đi mới cho thị trường ngao của Nam Định. Không chỉ dừng lại ở đó, ông Cửu còn thành công trong việc hoàn thiện công nghệ sản xuất ngao giống thân thiện với môi trường, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định không chỉ các bãi nuôi ngao tại Nam Định mà cả các tỉnh khác nữa.

 

 

Ông Nguyễn Văn Cửu - Giám đốc DNTN Cửu Dung chia sẻ về hướng đi mới nghề nuôi ngao vào liên kết chuỗi giá trị

 

Hội thảo cũng nhấn mạnh tới vấn đề phát triển thị trường phải gắn với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững.

Tuy nhiên, do hiện tượng biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây, cùng với sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến chi phí sản xuất tăng cao làm cho nghề nuôi ngao ngày càng khó khăn, thu nhập không ổn định; khâu sản xuất giống, chăn nuôi và thị trường đầu ra còn tự phát nên sản phẩm bị mất giá. Để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và sản xuất bền vững nghề nuôi ngao, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hộ nuôi ngao thì rất cần sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học để nghề nuôi ngao từng bước khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế./.

 

Thành Công


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang