Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng đầu năm 2016, XK gạo cả nước đạt 3,76 triệu tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch đạt khoảng 1,69 tỷ USD, giảm 12,5%.
Điều đáng nói là thị trường Hoa Kỳ có tiêu chuẩn rất cao nên số lượng DN Việt xuất gạo sang thị trường này khá khiêm tốn. Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có khoảng 412 container, tương đương với 10.000 tấn gạo XK của Việt Nam, bị thị trường Hoa Kỳ từ chối, do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Mới đây nhất, ngày 5/10/2016, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo và trả lô hàng gạo Jasmine của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phương Quân (Long An) do có tồn dư chất Acetamiprid, hoạt chất phổ biến trong các sản phẩm thuốc trừ rầy nâu.
Trước thực trạng đó, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo các DN cẩn trọng hơn trong XK gạo sang thị trường Hoa Kỳ, các DN trước khi XK phải kiểm tra, giám định kỹ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các lô hàng, tránh để bị nước nhập khẩu trả về.
Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An - một doanh nghiệp chuyên XK gạo vào Hoa Kỳ, Nhật, Pháp - cho rằng, nguyên nhân nhiều lô hàng bị trả về chủ yếu là do một số DN không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo các tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như đã cam kết (VietGAP, GlobalGAP). Hơn nữa, nhiều năm nay, gạo Việt Nam XK chủ yếu vào các thị trường dễ dãi về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn, khiến nông dân, DN chạy theo số lượng, không chú ý nhiều đến chất lượng gạo. Ngoài ra, nhiều DN chế biến XK gạo khi sản xuất ở vùng nguyên liệu thì rất tốt, nhưng đến khi nguyên liệu không đủ, lại phải mua lúa, gạo qua kênh thương lái gom thêm và DN không kiểm soát được đầu vào, nguồn hàng không rõ nguồn gốc.
Theo ông Bình, các DN cần liên kết với nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu và trồng theo nhu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Để đạt các tiêu chuẩn này, Trung An phải mời chuyên gia từ Nhật, đối tác từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tư vấn hoặc hướng dẫn cách làm.
Giám đốc một công ty XK gạo lớn tại An Giang chia sẻ: Thị trường Hoa Kỳ có yêu cầu cao về chất lượng, nhưng số lượng nhập khẩu lại không nhiều, đòi hỏi các DN phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Do đó, không phải DN nào cũng đủ điều kiện đưa hàng vào Hoa Kỳ, thậm chí những DN đang XK vào thị trường Hoa Kỳ qua đối tác trung gian thì chưa chắc gạo đã đạt 100% theo các tiêu chí của Hoa Kỳ và việc hàng bị trả về như thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Không chỉ Hoa Kỳ mà các thị trường khác như Canada, Úc… cũng áp dụng những quy định tương tự. Vì vậy, những DN nhỏ, không có cơ sở vật chất đầy đủ, không có vùng nguyên liệu và dây chuyền chế biến hiện đại nên chuyển thành một mắt xích trong chuỗi chế biến, XK gạo, không nên đeo đuổi XK trực tiếp, làm ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành XK gạo Việt Nam.
Riêng với trường hợp của Công ty Phương Quân, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết, sẽ nghiêm túc làm việc với DN, đồng thời có sự kiểm tra chặt chẽ hơn với những DN XK gạo quy mô nhỏ để tránh gây ảnh hưởng tới những DN làm ăn bài bản.
Nhiều năm nay, gạo Việt Nam XK chủ yếu vào các thị trường dễ dãi về chất lượng như Trung Quốc, châu Phi… với số lượng lớn, khiến nông dân, DN chạy theo số lượng, không chú ý nhiều đến chất lượng gạo. |
GS. Võ Tòng Xuân: Chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia Cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn. Bên cạnh đó, gạo Việt cần được nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát như hiện nay. Trong đó, giải pháp thuận lợi nhất là gắn kết chặt chẽ “nhà nông với nhà doanh nghiệp”, bảo đảm nhà nông có đầu ra ổn định, còn nhà doanh nghiệp luôn luôn có nguyên liệu chất lượng và ổn định. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Tư duy sản suất vẫn theo lối mòn Gạo Việt XK gặp khó khăn do tư duy sản xuất vẫn theo lối mòn, sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng gạo không đồng đều. Một cánh đồng có hàng ngàn thửa ruộng, ruộng bên này trồng một giống lúa, ruộng bên kia trồng một giống lúa khác. Lúc lúa trổ bông, phấn lúa ở ruộng bên này bay sang ruộng bên kia nên hạt gạo không bao giờ đạt được chất lượng cao. Từ đó, rất khó có thể làm thương hiệu gạo Việt. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử