Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:01:10 GMT+7
Lượt xem: 3162

Tin đăng lúc 16-11-2017

Thúc đẩy xuất khẩu rau, quả

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy xuất khẩu (XK) mặt hàng rau, quả - một trong những điểm sáng XK thời gian qua với kim ngạch tăng trưởng rất mạnh.
Thúc đẩy xuất khẩu rau, quả
Chế biến vải thiều xuất khẩu

Duy trì tốc độ tăng trưởng

 

Liên tục lập kỷ lục trong thời gian gần đây với kim ngạch XK duy trì tăng trưởng cao, sau 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK rau, quả (phần lớn là trái cây) đã đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá của bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), rau, quả chính là một trong những điểm sáng XK và dần trở thành một trong những mặt hàng chủ lực của nhóm nông - lâm - thủy sản. 

 

XK trái cây tiếp tục trở thành vấn đề "nóng" khi tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ý kiến nên xếp rau, quả là 1 trong 12 mặt hàng XK chủ lực. Ý kiến này thực sự đáng lưu tâm, bởi trong 5 năm gần đây, XK rau, quả liên tục tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể, kim ngạch XK mặt hàng này đã tăng từ gần 900 triệu USD năm 2012 lên 2,45 tỷ USD năm 2016, có thể đạt kỷ lục với 3 tỷ USD năm 2017. Đến năm 2022, kim ngạch XK rau, quả có thể tăng lên 10 tỷ USD.

 

Theo Bộ Công Thương, có được kết quả XK như vậy không phải điều dễ dàng. Trong hàng chục năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, đàm phán XK rau, quả với các nước; đồng thời, phối hợp các ngành hàng để tổ chức nhiều hội chợ, chào hàng tại nước ngoài. Có những thị trường phải mất trung bình từ 5 - 7 năm mới đàm phán thành công việc cấp phép nhập khẩu… 

 

Với những nỗ lực kể trên, đến nay, rau, quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như: Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng và đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng và đỏ, xoài); Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, đỏ, xoài); New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ); Australia (vải, xoài)… Hiện, rau, quả Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới. 

 

Tối đa hóa giá trị

 

Dư địa để ngành rau, quả gia tăng kim ngạch XK còn rất lớn. Do đó, cần thiết phải triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục thu được giá trị cao nhất từ XK mặt hàng này.

 

Cụ thể, theo các chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu là cần xây dựng thương hiệu cho rau, quả XK. Bởi hiện nay, giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, cả nước mới chỉ có vài loại rau, quả xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, muốn được bạn hàng thế giới biết đến và thu được lợi ích lớn nhất, phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm. Để làm được điều này, phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao; nông sản không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu... Đặc biệt, cần quan tâm đến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng những chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm XK.

 

Về phía Bộ Công Thương, hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đàm phán, tiếp tục mở rộng thị trường cho các loại rau, quả như: Chanh leo XK sang châu Âu; thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản; chanh leo, nhãn sang Australia... Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch các vùng trồng rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. 

 

Trong câu lạc bộ XK tỷ USD, rau, quả hiện đã đứng trên dầu thô; sản phẩm từ chất dẻo; gạo; sắt, thép các loại, sản phẩm từ sắt thép...

 

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang