Hiện nay, thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong nước. Ra đến chợ trăm mặt hàng thì cả trăm cái “bẩn”. Đây là thực trạng tồn tại khắp nơi trên cả nước, nhức nhối nhất phải kể đến Hà Nội. Tại các chợ trên địa bàn Thành phố, thị trường rau rất phong phú. Nhìn mắt thường có thể thấy rau xanh non mơn mởn. Thậm chí, những mớ rau trái mùa cũng rất non và tốt. Vào mùa đông, không khó để tìm được một mớ rau muống nhìn ngon mắt. Tuy nhiên, để vài tiếng sau khi luộc lên, bát nước canh đều bị phù phép biến thành màu xanh đen, xuất hiện vẩn đục. Đây chính là những dấu hiệu dễ thấy để tố cáo rau chứa lượng hóa chất lớn. Không chỉ rau muống, các loại rau khoai, rau cải, rau dền, đỗ, dưa chuột,... là thực phẩm phổ biến ngoài chợ đều chứa dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích.
Có một thực trạng xảy ra hiện nay đó là sự phân biệt đối xử trong phương pháp trồng trọt của người dân. Trong các ruộng rau, người ta thường để lại môt phần ruộng để rau cho gia đình ăn. Đối với phần ruộng này họ thường không phun thuốc sâu, hóa chất, hoặc nếu có phun thì chờ đúng ngày cách ly mới ăn. Còn lại, phần để bán thì được “ tắm” trong hóa chất, khi nào rau xanh non nhất sẽ được hái đem tiêu thụ, hoặc có những người trồng rau cạnh những con kênh/mương đặc quánh với đủ thứ mùi, sử dụng nước ô nhiễm đó tưới rau cũng khiến rau nhiễm bẩn nặng. Cà pháo vừa phun thuốc buổi sáng, chiều hái đem đi bán vì “để lâu cà pháo già không ai mua”. Hay trường hợp người dân trồng rau đổ nhớt vào ruộng rau muống bằng lập luận “cho rau lớn nhanh” và “ở đây ai cũng làm thế”.
Không chỉ các loại rau, thịt lợn, thịt bò, hải sản cũng không thoát khỏi bàn tay hóa chất của dân buôn. Những miếng thịt được bày bán tưởng là tươi ngon nhưng biết đâu nó được người ta phù phép từ ôi thối sang ngon lành bắt mắt. Đó còn chưa kể đến việc thịt lợn chứa chất tăng trọng trong quá trình nuôi bằng cám. Ngoài ra, gần đây, việc các loại hải sản như mực, tôm, bề bề... đã chết được ngâm loại hóa chất kỳ diệu để biến thành “thực phẩm tươi”.
Phân biệt rau muốn chứa hóa chất với rau muốn sạch (ảnh: intermet)
Không cần phải nói, ắt người tiêu dùng hình dung được những độc hại do thực phẩm bẩn gây ra. Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 35-37% nguyên nhân ung thư đến từ thức ăn, nước uống. Chính vì vậy, thực phẩm được cho là "thủ phạm" đầu tiên của bệnh ung thư. GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng "Thực phẩm bẩn là quốc nạn của Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ung thư gia tăng như hiện nay và cũng là một trong những lý do khiến các tế bào ung thư sinh sôi, nảy nở, đột biến tế bào mới dẫn đến nhiễm trùng cấp và mãn tính, kể cả những thói quen ăn uống xấu của đại đa số người dân cũng dẫn tới việc gia tăng ung thư".
Vậy nguyên nhân của việc thực phẩm bẩn tràn lan là gì? Vấn đề thực phẩm sạch hay bẩn luôn là mối quan tâm hàng đầu của xã hội, nhưng cũng là vấn đề người tiêu dùng rất dễ thỏa hiệp. Một bộ phận người dân thu nhập thấp nên vẫn phải sử dụng những thực phẩm này vì lý do giá thành rẻ. Phần còn lại biết nhưng vì lý do này lý do khác vẫn sử dụng, còn lại là không biết hẳn. Điều này cho thấy, thực phẩm bẩn là do một phần tư duy, nhận thức của người dân. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, vạch rõ tác hại để toàn dân chung tay chống lại quốc nạn này.
Chu Hương