Theo VAMI, hiện tại, thuế nhập khẩu của xe đầu kéo nguyên chiếc (cả mới và đã qua sử dụng) đều thấp hơn 2,5- 7,5%, xe sơ-mi rơ-moóc thấp hơn 12,5- 20% so với thuế nhập khẩu linh kiện. Sự chênh lệch này đã tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp nhập xe nguyên chiếc và doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.
Để khắc phục tình trạng đó, VAMI đề xuất: Tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc mới lên 20%. Tăng thuế nhập khẩu đối với xe sơ-mi rơ-moóc nguyên chiếc lên 50%. Giảm thuế nhập khẩu linh kiện xe đầu kéo về 0%, vì hiện nay xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc và các nước ASEAN đều áp dụng thuế suất 0%. Đối với xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc đã qua sử dụng, VAMI đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 50%, đồng thời quy định rõ chất lượng còn lại nhằm hạn chế sử dụng xe kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Với những đề xuất đó, Bộ Tài chính đã có văn bản hồi đáp, nội dung: Hiện tại, thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc là 5%, bằng cam kết WTO; xe sơ-mi rơ-moóc 20% cũng bằng cam kết WTO. Do đó, kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc lên 20%, xe sơ-mi rơ-moóc lên 50% không phù hợp với cam kết WTO.
Đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng, WTO không cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng thuế lên 50% sẽ không vi phạm cam kết. Tuy nhiên, mức tăng phải phù hợp với khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định (0- 30%). Do đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng thuế suất thuế nhập khẩu loại xe này từ 5% lên 30%.
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đầu kéo và sơ-mi rơ-moóc trong nước. Bộ Tài chính đồng tình với kiến nghị giảm thuế phụ tùng, linh kiện về 0%. Tuy nhiên, để bảo đảm ưu đãi đúng đối tượng, Bộ Tài chính dự kiến sẽ bổ sung một số điều kiện: Hàng hóa nhập khẩu là linh kiện dưới hình thức bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ôtô đầu kéo và rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc để sản xuất, lắp ráp phải do các doanh nghiệp bảo đảm đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công Thương trực tiếp nhập khẩu để sản xuất. Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng ủy thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện lắp ráp ôtô theo quy định của Bộ Công Thương khi làm thủ tục hải quan.
Thông tư mới sẽ được Bộ Tài chính ban hành sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành.
Theo Báo Công Thương điện tử