Theo truyền thông Mỹ, hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback Biotherapeutics (Rigibel, Đức) vừa thông báo, thuốc uống Molnupiravir, điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, đã cho kết quả đầy hứa hẹn dù mới đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.
Thuốc Molnupiravir, do các chuyên gia của Merk và Rigibel nghiên cứu và phát triển, đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân Covid-19.
Sau 5 ngày, tải lượng vi rút của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu sử dụng thuốc Molnupiravir sắp hoàn tất và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào mùa thu tới.
Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 4-5 tháng tới.
Molnupiravir được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại vi rút cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các vi rút RNA, trong đó có SARS-CoV-2, khiến vi rút không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ.
Đây là loại thuốc dễ dàng được sử dụng qua đường uống, dùng điều trị giai đoạn đầu của bệnh. Liệu trình thử nghiệm hiện tại là hai liều mỗi ngày và sử dụng trong vòng 5 ngày.
Nếu việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 thành công, việc điều trị vi rút SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ tương tự như việc điều trị các loại cúm khác.
Hiện, Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ cũng đang xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ.
Nhằm đẩy nhanh việc phát triển và tìm ra các phương pháp điều trị kháng vi rút đối với bệnh Covid-19 và các mối đe dọa trong tương lai, ngày 17-6 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch mang tên "Chương trình chống vi rút cho đại dịch", trị giá 3,2 tỷ USD, sử dụng nguồn kinh phí từ Kế hoạch giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD.
Chương trình này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc uống kháng vi rút hiện đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, chẳng hạn như Molnupiravir của Merck cũng như các nỗ lực của Pfizer và Atea-Roche.
Ngoài ra, chương trình cũng tài trợ cho việc phát hiện ra các loại thuốc kháng vi rút mới nhằm không chỉ chống lại vi rút SARS-CoV-2 và họ rộng hơn của loại vi rút này, mà còn là các họ vi rút khác được cho là có khả năng gây ra đại dịch.
Theo Hanoimoi