Ong và những loài thụ phấn khác rất cần cho ¾ mùa vụ trên thế giới, tuy nhiên chúng đang bị suy giảm nghiêm trọng trong những thập kỷ gần đây do sự phá hủy môi trường sống, dịch bệnh và việc dùng thuốc trừ sâu không kiểm soát.
Việc sử dụng thuốc trừ sâu hiện đang là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi. Theo Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh, thuốc trừ sâu là một thành phần quan trọng của nông nghiệp hiện đại. Họ cho rằng, đây là một yếu tố cần thiết để sản xuất ra "thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng".
Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây phát hiện dư lượng nhỏ neonicotinoid, một loại thuốc trừ sâu phổ biến, trong 75% mẫu mật ong trên thế giới. Neonicotinoids là thuốc trừ sâu có hiệu quả cao, và được coi là thân thiện với môi trường hơn các loại thuốc trừ sâu cũ vì độc tính thấp đối với con người. Việc mật ong bị phát hiện chứa nhiều thuốc trừ sâu một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi toàn cầu.
Ông Michael Gove, Bộ trưởng Môi trường Anh, gần đây đã tuyên bố rằng Anh sẽ ủng hộ một lệnh cấm các loại thuốc trừ sâu tổng hợp có thể làm tổn thương ong. Điều này cho thấy sự cấp bách phải tìm ra các biện pháp thay thế cho các loại thuốc trừ sâu đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Trong một bài nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Kỷ yếu của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, một nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH Michigan đã khảo sát sự đề kháng tự nhiên của ong nghệ và ong mật đối với một số loại thuốc trừ sâu. Mục đích của nghiên cứu là nhằm tạo ra các loại thuốc trừ sâu có chọn lọc. Loại thuốc mới chỉ nhắm vào sâu bệnh và hoàn toàn thân thiện với loài ong cũng như các loài côn trùng thụ phấn khác.
Những con ong rất nhạy cảm với hầu hết các thuốc trừ sâu nhóm pyrethroid. Tuy nhiên, loài ong lại có khả năng đề kháng tự nhiên đối với một loại thuốc trừ sâu pyrethroid có tên gọi là tau-fluvalinate nhờ một loại amino axit trong cơ thể chúng.
Tau-fluvalinate được sử dụng để kiểm soát dịch hại trong nông nghiệp và được kỳ vọng sẽ trở thành loại thuốc trừ sâu an toàn với loài ong trong tương lai.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng các phân tử có trong tế bào của ong hay còn được gọi là các kênh dẫn muối (sodium channel), có khả năng chống lại tác động của tau-fluvalinate.
Giáo sư Ke Dong, nhà nghiên cứu độc tố côn trùng thuộc Đại học Michigan - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Đây là lần đầu tiên, chúng tôi chỉ ra những đặc tính độc đáo trong các kênh dẫn muối của ong nghệ. Điều này mở ra khả năng tạo ra các hóa chất mới nhằm vào sâu bệnh mà vẫn an toàn đối với loài ong."
Tiến sĩ Christopher Connolly, nhà nghiên cứu thần kinh học thuộc Đại học Dundee, người không tham gia nghiên cứu, cho rằng: "Đây là một bài báo khá thú vị. Tuy nhiên, điều này không ngụ ý rằng thuốc diệt côn trùng đó an toàn để sử dụng trong môi trường của chúng ta, vì nhiều loài côn trùng có lợi khác có thể bị tổn thương".
Các côn trùng khác cũng cung cấp các hoạt động có giá trị trong môi trường. Ví dụ, các loài ruồi, cũng là những loài thụ phấn quan trọng, và chúng có thể sẽ không được bảo vệ khỏi các chất diệt côn trùng chọn lọc.
Tiến sĩ Andrew Jones, nhà sinh vật học thuộc Đại học Oxford Brookes, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Theo tôi, nếu neonicotinoid thực sự làm giảm quần thể ong thì các loại thuốc trừ sâu nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các loài không phải ong có thể giúp đảo ngược điều này”.
“Cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta cần các biện pháp để bảo vệ cây trồng, và ở thời điểm này, đó là thuốc trừ sâu. Tôi chắc chắn, trong tương lai sẽ có những bài kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các loại thuốc trừ sâu thế hệ mới để đảm bảo rằng chúng thân thiện với loài ong”, Tiến sĩ Jones nói.
Nguồn Khám Phá