Công ty TNHH Hợp Thành (Thái Bình) được thành lập năm 2002 và phát triển với hướng đi mới là sản xuất xơ Polyester từ nguồn các chai nhựa phế thải. Cụ thể, cuối năm 2002, Hợp Thành xây dựng dự án Nhà máy sản xuất bông xơ đầu tiên ở Việt Nam, với diện tích ban đầu là 50.000 m2 nằm ngay trên trục chính đường Trần Thái Tông (TP Thái Bình). Sau khi đi vào sản xuất, khách hàng trong nước đã biết nhiều đến sản phẩm của Hợp Thành, các đối tác nước ngoài cũng đã tìm đến Hợp Thành đặt những đơn hàng đầu tiên. Sản phẩm bông xơ của Công ty đa dạng về chủng loại, mẫu mã và kích thước như xơ rỗng, xơ màu, xơ đặc có dầu và không dầu. Chúng được ứng dụng ở rất nhiều các mặt hàng như chăn, ga, gối, đệm, bông tấm, thảm, vải địa... và để đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng, sản phẩm của Hợp Thành đã được cấp giấy chứng nhận OEKO-TEX Standard 100. Bên cạnh đó, Công ty không ngừng cải thiện chất lượng và tăng số lượng sản phẩm để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Với sự nhạy bén trong nắm bắt thị trường xơ polyester trong nước cũng như trên toàn thế giới ngày một phát triển, Công ty TNHH Hợp Thành đã ngay lập tức đầu tư dây chuyến sản xuất xơ polyester cường lực cao nhằm đám ứng đủ nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất như: Dệt May, Da giày,... Đặc biệt, với công suất sản xuất lên đến 20.000 tấn/năm, dây chuyền xơ polyester cường lực cao đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu sản xuất của các công ty lớn cả trong và ngoài nước.
Đến nay, với kinh nghiệm trên 20 năm sản xuất trong lĩnh vực xơ polyester cùng hệ thống 5 dây chuyền sản xuất xơ polyester hiện đại, Công ty TNHH Hợp Thành có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật của các chủng loại xơ khác nhau như: Xơ Polyester cường lực; Xơ Polyester đặc; Xơ Polyester rỗng; Xơ Polyester rỗng 3 chiều; Xơ Polyester màu…
Một số sản phẩm phụ trợ Dệt May của Công ty TNHH Hợp Thành
Nhờ sản xuất ngày một ổn định, phát triển, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, Hợp Thành đã cùng nhiều DN tạo thế mạnh đáng kể cho ngành phụ trợ Dệt May địa phương, góp phần giúp CNHT Dệt May đươc đánh giá là một trong 4 ngành phát triển khả quan nhất của quê lúa. Cũng nhờ đó, ngành Dệt May tại Thái Bình đang có tốc độ phát triển nhanh và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian qua, CNHT ngành Dệt May đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 234 DN Dệt May, Da giày. Trong đó có 44 DN CNHT (gồm 5 DN đầu tư nước ngoài và 39 DN, cơ sở sản xuất trong nước). Các doanh nghiệp CNHT ngành Dệt May, Da giày của tỉnh chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực dệt nhuộm, kéo sợi. Hiện tại, tỉnh có 41 DN hỗ trợ ngành Dệt, trong đó 23 DN dệt nhuộm và 18 DN sản xuất xơ, sợi.
Các DN dệt và sản xuất xơ, sợi chủ yếu có quy mô trung bình, một số DN có quy mô lớn với dây chuyền tương đối hiện đại như Công ty TNHH Hợp Thành; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường; Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long; Công ty Cổ phần Damsan;... Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt, sợi của Hợp Thành và các DN trên chủ yếu là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra tiêu thụ một phần ở trong nước. Đây là một trong những lợi thế rất lớn phát triển CNHT ngành Dệt May của địa phương.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình nằm trong top tỉnh có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD, đặc biệt là các ngành Dệt May, Da giày, Xơ sợi. Trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, Dệt May là 01 trong 4 nhóm ngành hàng chính được cụ thể hóa. Nhiều DN của tỉnh Thái Bình được nhà cung cấp đánh giá chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Một số DN thuộc nhóm hàng kéo sợi, may công nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường, trong đó có Công ty TNHH Hợp Thành.
Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, thời gian qua, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng trưởng bình quân 15,9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 75.000 tỷ đồng (năm 2021), tăng trưởng bình quân 10,1%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.350 triệu USD (2021), tăng trưởng bình quân 10%/năm và kim ngạch nhập khẩu đạt 1.965 triệu USD (2021), tăng trưởng bình quân 9,5%/năm. Để có được kết quả khả quan đó, có sự đóng góp không nhỏ của các DN như Công ty TNHH Hợp Thành.
Để tạo đà cho công nghiệp phát triển nói chung và CNHT Dệt May nói riêng, hiện tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc mà DN gặp phải trong quá trình thu hút đầu tư, hoặc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Trong chiến lược phát triển chung, tỉnh đặc biệt tập trung phát triển CNHT cho ngành Dệt May, điện tử, cơ khí chế tạo và gốm sứ, coi đây như khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với tiềm năng còn khá lớn và rộng mở của ngành CNHT Dệt May Thái Bình, tin rằng, Công ty TNHH Hợp Thành sẽ ngày một vươn xa…
Hưng Hà