Chính thức ra đời năm 2003, sau hơn 20 năm triển khai, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực khi nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu, tạo dựng uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Brand Finance (Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh), năm 2023, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022, và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua. Hiện Thương hiệu quốc gia Việt Nam xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam có sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành. Trong đó, 3 ngành gồm viễn thông, ngân hàng và thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng.
Theo các chuyên gia, việc có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Bởi tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp phải xây dựng trên thương hiệu của chính sản phẩm ấy, từ đó định vị ở thị trường nội địa và quốc tế.
Thương hiệu quốc gia không chỉ là một thương hiệu, mà còn là nền tảng để những nhà nhập khẩu nước ngoài lựa chọn. Thương hiệu quốc gia sẽ trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp đi ra thế giới nhanh hơn.
Thực tế, thời gian qua nhiều sản phẩm đến từ các doanh nghiệp như giày thể thao Biti’s (Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên), gốm sứ Minh Long, gỗ An Cường, gạo A An (Tập đoàn Tân Long), gạo Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời), sản phẩm thời trang Việt Tiến (Tổng Công ty CP May Việt Tiến), sữa Vinamilk... đã đạt chứng nhận Thương hiệu quốc gia và đang ngày càng phát huy giá trị, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc té.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho biết, các sản phẩm, doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia có rất nhiều thuận lợi khi được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc quảng bá hình ảnh. Các doanh nghiệp, sản phẩm này cũng sẽ được đưa vào hồ sơ của các Tham tán Thương mại khi đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, giúp tăng uy tín, vị thế của sản phẩm, doanh nghiệp trên thị trường thế giới.
“Để đạt được Thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp cũng phải hoàn thiện quá trình từ nhà máy, cơ sở chế biến, đóng gói, thương hiệu sản phẩm”, ông Tùng cho biết.
Để tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị từ Thương hiệu quốc gia đem lại, ông Tùng cho rằng các doanh nghiệp nên chủ động hoàn thiện quy trình, sản phẩm để có những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng.
Về phía các cấp chính quyền, nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương cần trực tiếp làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để lựa chọn, công nhận những sản phẩm, doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia. Như vậy, mục tiêu xây dựng Thương hiệu quốc gia lớn mạnh sẽ đạt nhanh hơn.
Theo Congthuong.vn