Đến dự Lễ trao Giải còn có đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế; đồng chí Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam gia nhập WTO.
Trong không khí phấn khởi, trang trọng của buổi Lễ trao Giải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi lời chúc tới các doanh nghiệp, doanh nhân được lựa chọn và được trao các giải Doanh nghiệp thương mại dịch vụ, doanh nhân xuất sắc, doanh nghiệp thương mại dịch vụ tiêu biểu cũng như mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường, sáng tạo của người Việt Nam, không ngừng học hỏi, áp dụng các phương pháp sản xuất và quản lý hiện đại, liên tục đổi mới phương thức dịch vụ, đổi mới quản lý và tiếp thị, làm cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân Thương mại Dịch vụ ngày càng nâng cao, có sức lan tỏa lớn, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Lễ trao Giải lần này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi trùng vào vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO (2007-2017).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chúc mùng các doanh nghiệp, doanh nhân được lựa chọn và được trao các giải
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 là một bước ngoặt lớn, mốc dấu ghi nhận sự chuyển mình, hội nhập của kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới. Việc gia nhập WTO đã tạo ra các giá trị không chỉ về mặt hình ảnh, mà còn trong bản thân nội tại nền kinh tế đang khát khao chuyển biến để phù hợp với sự vận động chung của kinh tế thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa một nước đang phát triển như Việt Nam với các nước tiên tiến đã phát triển. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng tạo ra nhiều thách thức không nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương mại dịch vụ nói riêng. Các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực Thương mại dịch vụ phải làm quen với sự hiện diện, cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực dịch vụ là điều không tránh khỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sau 10 năm gia nhập WTO - một chặng đường chưa dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với các doanh nghiệp, doanh nhân Thương mại Dịch vụ, chúng ta tự hào rằng, các doanh nghiệp, doanh nhân đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, chấp nhận cuộc chơi lớn, sòng phẳng. Tỷ trọng Thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm, đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Thương mại dịch vụ của Đảng, Nhà nước đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng biên tập Báo Công Thương, Đại diện Ban tổ chức của Giải cho biết, từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO,Thương mại dịch vụ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên cả hai hướng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa. Đơn cử, nếu như năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 48,6 tỷ USD thì đến năm 2016, con số này đã là 176,6 tỷ USD, tăng gần 3,5 lần; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2007 là 746 nghìn tỷ đồng thì con số này năm 2016 đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 4,7 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực Thương mại dịch vụ trong 10 năm qua luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP bình quân. Cơ cấu Thương mại dịch vụ đóng góp trong GPD những năm qua thường xuyên ở mức từ trên 40 đến 45% năm, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ Nông nghiệp sang Công nghiệp và Thương mại dịch vụ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Thương mại dịch vụ và Công nghiệp đóng góp 85% trong GDP... mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Để ghi nhận sự đóng góp, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong các lĩnh vực Thương mại dịch vụ có chất lượng dịch vụ tốt nhất mà Việt Nam đã cam kết thực hiện khi gia nhập WTO, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã tổ chức bình chọn và trao giải thưởng “Thương mại Dịch vụ Việt Nam” vào năm 2007, 2008,2009... Mới đây, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức xét chọn và trao Giải thưởng vào năm 2010, 2013 và năm 2016. Giải thưởng thực sự đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao bởi số lượng, chất lượng tham gia ứng cử, bình chọn tăng lên qua các năm và đại đa số các doanh nghiệp, doanh nhân sau khi nhận giải đều phát huy được thế mạnh, năng lực của chính mình, vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục vươn lên có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước.
Giải thưởng đã động viên, tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong 11 nhóm, ngành hàng Thương mại dịch vụ mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, bao gồm : Dịch vụ môi trường; Dịch vụ Phân phối; Dịch vụ Tài chính; Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ kinh doanh tổng hợp; Dịch vụ du lịch; Dịch vụ vận tải; Dịch vụ Y tế - Xã hội; Dịch vụ giáo dục và Dịch vụ Văn hóa – Giải trí.
Giải thưởng được khởi động từ tháng 10/2016 sau khi có công văn số 8335/VPCP-TCCV ngày 04/10/2016 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc cho phép Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng. Bộ Công Thương đã ra quyết định thành lập Hội đồng xét tặng và Ban tổ chức với các thành viên là cán bộ quản lý các Bộ, ngành, chuyên gia kinh tế… Báo Công Thương được giao nhiệm vụ Thường trực Giải thưởng.
Sau 04 tháng triển khai, Thường trực Ban Tổ chức đã nhận được hơn 400 đề cử từ hơn 30 Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và tự ứng cử cho các danh hiệu “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ xuất sắc”, “Doanh nhân Thương mại Dịch vụ xuất sắc” và “Doanh nghiệp Thương mại Dịch vụ tiêu biểu ”. Qua công tác sơ loại, thẩm định thực tế tại Doanh nghiệp, Thường trực Ban tổ chức đã lựa chọn được 95 hồ sơ Doanh nghiệp và 36 hồ sơ doanh nhân hợp lệ, đáp ứng đúng các tiêu chí đề ra, trình Hội đồng xét tặng và Ban tổ chức thông qua. Ngoài Hà Nội và TP HCM luôn là các địa phương có số lượng Doanh nghiệp, Doanh nhân tham gia đông đảo với chất lượng hồ sơ tốt, còn lại được phân bổ đều, có đầy đủ yếu tố vùng sâu, xa như Cao Bằng, Sơn La (phía Bắc), An Giang, Tiền Giang (miền Tây) hay khu vực Tây Nguyên như Kontum, Lâm Đồng… Về cơ cấu lĩnh vực, có đủ các Doanh nghiệp, Doanh nhân hoạt động trong 11/11 nhóm ngành hàng Thương mại Dịch vụ...
Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng ngày 12/4/2017 và cuộc họp Ban tổ chức Giải thưởng ngày 13/4/2017, Ban tổ chức đã quyết định trao các Giải thưởng với cơ cấu như sau :
1. Top 10 “Doanh nhân Thương mại Dịch vụ xuất sắc 2016” |
Nguồn MOIT