Vượt chặng đường hơn 300 km từ Hà Nội lên Mường La, chúng tôi tới Thủy điện Sơn La - Nơi công trình đồ sộ soi bóng xuống dòng sông Đà biếc xanh. Như để dành thời gian nhiều hơn cho tìm hiểu công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt của những người thợ điện đang ngày đêm cần mẫn bám máy vì dòng điện thông suốt, chúng tôi đề nghị Công ty cho phép được vào thăm công trình.
Từ Trung tâm điều hành men theo bờ phải của thượng nguồn sông Đà, đi khoảng 2 km thì trước mắt chúng tôi là con đập sừng sững cao 228,1 mét, với chiều dài 961,6 mét. Hệ thống 6 cửa xả nước nằm khiêm nhường dưới chân đập như những công trình thủy lợi khác, nhưng phải tới khi vào trong khu vực nhà máy mới thấy được quy mô dự án và tầm cỡ của công trình lớn nhất Đông Nam Á và hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính bởi xác định Thủy điện Sơn La là một trong những công trình trọng điểm quốc gia nên ngay từ ngày đầu chuẩn bị xây dựng, đã có không ít ý kiến trái chiều về độ an toàn của các phương án cao - thấp, bởi khu vực này có thể xảy ra động đất; Rồi cả lo ngại những tác động về môi trường, sinh thái… Tuy nhiên, với Báo cáo nghiên cứu khả thi được trình lên các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, có sự thẩm định của các chuyên gia đầu ngành trong nước, các cơ quan tư vấn độc lập, cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc tế, tháng 12/2002, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI đã thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi và phương án xây dựng công trình. Ngày 15/1/2004, Thủ tướng đã ra Quyết định số 09/QĐ-TTg phê duyệt dự án Thủy điện Sơn La - Bậc thang thứ 2 trong 3 bậc thang thủy điện của hệ thống sông Đà vùng Tây Bắc nước ta (bao gồm Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu).
Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của hàng vạn lao động từ các Bộ, ngành, địa phương, ngày 07/01/2011 tổ máy số 1 đã chính thức phát điện và ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 (tổ máy cuối cùng) của Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa điện thành công vào lưới điện quốc gia, vượt tiến độ trước 02 năm. Công trình được hoàn thành thể hiện chủ trương đúng đắn, quyết định sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, của tập thể những người lao động trên công trình và giờ đây, trọng trách lớn lao được đặt lên vai những người thợ điện của Công ty Thủy điện Sơn La.
Với sản lượng điện sản xuất được 31 tỷ kWh (chiếm 6% sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia), nộp ngân sách nhà nước 4.197 tỷ đồng (tính tới thời điểm này), có thể khẳng định, Thủy điện Sơn La thực sự là một công trình đa mục tiêu, với 3 nhiệm vụ chính: Chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ; Cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Một công trình quan trọng bậc nhất quốc gia, với hệ thống thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại, nếu không có sự tận tâm, tận lực của những cán bộ, công nhân giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì không thể quản lý, vận hành nhà máy một cách hiệu quả. Làm thế nào không để mất an toàn cho người và thiết bị, máy móc, phát được sản lượng điện cao nhất, đáp ứng nhu cầu của lưới điện quốc gia, là nhiệm vụ hàng đầu mà CBCNV Công ty Thủy điện Sơn La phải quan tâm, do đó, hệ thống an ninh bảo vệ nhà máy được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với quan điểm công trình là tài sản quốc gia, là tiền của dân đóng góp, thì người dân có quyền đến thăm quan, tìm hiểu, nên hàng ngày có hàng chục đoàn khách trong nước và nước ngoài đăng ký tới thăm công trình. Đối với bà con các dân tộc, Công ty cũng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ địa phương, tạo mối quan hệ gắn kết giữa CBCNV ngành Điện với chính quyền và người dân các xã, bản, coi đây là lực lượng “tai mắt” trong việc đảm bảo giữ gìn trật tự an ninh, an toàn, không để kẻ xấu phá hoại nhà máy.
Đi thăm các tổ máy, phòng điều khiển trung tâm, quan sát mới thấy lực lượng quản lý vận hành, người nào việc nấy, làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm. Được tiếp xúc với các kỹ sư - Những người còn rất trẻ tuổi đời, tuổi nghề, chúng tôi thấy trên gương mặt họ ánh lên niềm vui, lạc quan, tự hào được sống và làm việc tại công trình vĩ đại có một không hai của đất nước. Kỹ sư Phạm Xuân Tuấn, 26 tuổi, quê xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, học xong chuyên ngành hệ thống điện tại Đại học Bách khoa Hà Nội lên đây làm việc được một năm hết sức phấn khởi tâm sự: “Công việc ở nhà máy phù hợp với chuyên ngành em đã học, song may mắn hơn là chúng em mới vào nghề, khi tiếp cận với công nghệ, thiết bị hiện đại, phức tạp, được các bác, các chú, các anh chị đi trước kèm cặp, giúp đỡ trong công việc, trong sinh hoạt cuộc sống thường ngày, nên chúng em thấy trưởng thành và vững tin hơn rất nhiều”. Còn kỹ sư Nguyễn Tuấn Dũng – Trưởng ca điều độ vận hành, người đã công tác ở Nhà máy từ năm 2008 cho biết: “Để máy móc có thể vận hành tốt, hiệu quả và an toàn, ngoài thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, thì bản thân những người thợ điện phải hết sức nghiêm túc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn”. Trong câu chuyện với Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi thấy anh nhắc đến Giám đốc Hoàng Trọng Nam với một sự ngưỡng mộ về phong cách chỉ đạo, điều hành. Sâu sát, nghiêm khắc, quyết đoán, nói ít, làm nhiều, làm gì cũng phải tính tới hiệu quả là biểu hiện thường thấy và anh em học được nhiều ở vị “Thuyền trưởng” này.
Tôi bỗng nhớ tới lần trao đổi với một chuyên gia đang công tác trong ngành Năng lượng, khi nói về “tối ưu hóa chi phí” là vấn đề đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, thì ông cho rằng, Nhà máy Thủy điện Sơn La là đơn vị đang thực hiện tiết kiệm chi phí khá hiệu quả. Với số lượng 500 cán bộ, công nhân vận hành 6 tổ máy trên tổng công suất 2.400 MW, bình quân mỗi người đang phải “cõng” tới 4,8 MW. Trên thế giới thì quy định mỗi người chỉ vận hành tối đa là 03 MW, trong khi Thủy điện Hòa Bình có khoảng 800 CBCNV, vận hành tổng công suất là 1.920 MW, tương ứng 2,4 MW/người. Nếu đến năm 2017, khi công trình thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW hoàn thành và giao Công ty quản lý, tổng công suất của hai nhà máy là 3.600 MW, nếu không bổ sung thêm lao động thì mỗi cán bộ, công nhân của Công ty sẽ phải gánh trên vai 7,2 MW. Như vậy, có thể thấy những người thợ điện của Thủy điện Sơn La không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, áp lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn chịu phần “thiệt thòi” nếu cơ chế, chính sách không được Nhà nước và các Bộ, ngành kịp thời quan tâm, sớm điều chỉnh. Được biết, ngoài quản lý vận hành Thủy điện Sơn La, hiện nay Công ty còn được giao chịu trách nhiệm là Tư vấn giám sát, chuẩn bị vật tư thiết bị, quan trắc thu thập số liệu của Thủy điện Lai Châu và đã bố trí gần 60 CBCNV đảm nhiệm các công việc tại công trình. Theo tiến độ, tổ máy số 1 của nhà máy này phấn đấu sẽ phát điện vào tháng 12/2015, sớm hơn 3 tháng và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, vượt kế hoạch dự kiến 1 năm. Việc đưa công trình thủy điện Lai Châu vào vận hành, mỗi ngày phát điện sớm sẽ làm lợi cho Nhà nước khoảng 1 tỉ đồng và như vậy việc phát điện trước tiến độ sẽ mang lại cho quốc gia gần 5.000 tỉ đồng.
Hoàn thành kế hoạch sản xuất điện năng, nhưng lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho Công đoàn và Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Phong trào ca hát và thi đấu bóng chuyền, bóng đá, tennis, cầu lông được Công ty duy trì đều đặn, tham gia thi đoạt nhiều giải cao trong các kỳ hội thao, hội diễn của Ngành, nhưng trên tất cả, các hoạt động này sẽ thu hút CBCNV và cả người dân địa phương tham gia, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, cải thiện đời sống, văn hóa tinh thần, bài trừ các tệ nạn xã hội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Công ty và Giám đốc Hoàng Trọng Nam.
Xin chúc mừng Công ty và Giám đốc Hoàng Trọng Nam, cùng CBCNV vừa được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và những phần thưởng cao quý khác do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện. Chung niềm vui, song cũng một chút buồn khi phải chia tay dòng sông Đà xanh và yên bình như lòng người dân nơi vùng cao Tây Bắc, bởi trong chúng tôi đã in đậm hình ảnh những người thợ điện của Thủy điện Sơn La, họ đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, hy sinh như những người lính nơi tuyến đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyễn Đừng