Thứ Sáu, 22/11/2024 00:54:29 GMT+7
Lượt xem: 6492

Tin đăng lúc 21-11-2016

Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong đầu tư, phát triển các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam hiện nay vẫn đang ở giai đoạn phát triển sơ khai, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp. Do đó, đẩy mạnh phát triển ngành CNHT là điều hết sức cần thiết.
Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tạo điều kiện vay tối đa 70% vốn đầu tư (2)

Hiện nay, nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến CNHT, tuy nhiên số lượng nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các DN sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu. Phần lớn các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các công ty nước ngoài là DN có vốn FDI. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các DN trong nước và nước ngoài còn lớn, bên cạnh đó, các DN trong nước vẫn duy trì lối làm ăn tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, thiếu liên kết để tham gia thầu phụ các dự án công nghiệp.

         

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển CNHT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015 ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT. Chính sách ưu tiên hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; áp dụng chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích DN trong lĩnh vực CNHT phát triển sản xuất. Ngành CNHT Việt Nam hiện được coi là có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt, các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Nhiều dự án lớn như LG Display Hải Phòng (tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD); Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung (300 triệu USD); Nhà máy điện gió Hàn Quốc, Trà Vinh giai đoạn 2 (247,6 triệu USD)… đều là những cơ hội lớn để các DN trong nước trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tận dụng tốt cơ hội này, các DN trong nước cần phải đổi mới tư duy, phương thức quản lý, nhằm tăng tính chủ động cho nền kinh tế cũng như thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

         

Để khai thác tiềm năng sẵn có trong nước, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse nhận định: “Doanh nghiệp Startup nên đầu tư vào ngành CNHT bởi vốn đầu tư ban đầu không quá lớn. Khi đầu tư vào lĩnh vực này, các DN nên bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ, chỉ cần nghiên cứu sâu một sản phẩm, làm thật tốt sản phẩm đó thì sẽ có cơ hội thâm nhập vào chuỗi cung ứng, nếu các DN Việt Nam tập trung đầu tư, sản xuất các sản phẩm linh phụ kiện, sẽ tạo ra hàng nghìn nhà máy mới, hàng triệu việc làm, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm, góp phần phát triển ngành công nghiệp Việt Nam”.

         

Thời gian tới, để các DN mạnh dạn đầu tư, cũng như để ngành CNHT nước nhà phát triển theo đúng tiềm năng sẵn có, thiết nghĩ cần phải có những cơ chế khuyến khích về tài chính hấp dẫn hơn cho cho các DN đầu tư vào CNHT; tăng cường chuyển giao công nghệ giữa các DN, nhất là các DN trong nước với nước ngoài; hỗ trợ các DN tham gia các mối liên kết trong nước và quốc tế; cùng với đó tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển ngành CNHT nước nhà./.

 

Tuấn Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang