Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:03:43 GMT+7
Lượt xem: 1101

Tin đăng lúc 18-03-2023

Tiền Giang- “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ giữ vai trò cửa ngõ, đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang còn hội đủ các yếu tố trở thành “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh.
Tiền Giang- “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh
Ký kết các thỏa thuận hợp tác kết nối chung giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 và trao các thỏa thuận hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp các địa phương.

Với vị trí đắc địa “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, Tiền Giang có hệ thống hạ tầng giao thông thuỷ, bộ tương đối hoàn chỉnh, rất thuận lợi trong việc kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Trung Lương- Mỹ Thuận, kênh Chợ Gạo.

 

Vị thế chiến lược

 

Với định hướng hình thành các trục giao thông liên kết vùng trong thời gian tới như: trục động lực TP. Hồ Chí Minh- Long An- Tiền Giang; tuyến đường bộ ven biển; cao tốc An Hữu- Cao Lãnh; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng phát triển kinh tế biển ở vùng phía Đông với các dự án khu, cụm công nghiệp, cảng biển, năng lượng sạch; phát huy lợi thế vùng trồng cây ăn trái ở vùng phía Tây mà trọng tâm là thu hút đầu tư các dự án sản xuất, chế biến nông sản, trái cây; cũng như tiếp tục phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính, bất động sản ở vùng Trung tâm.

 

Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và doanh nghiệp thời gian qua được địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ; các khu, cụm công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện được quy hoạch tại những vị trí thuận lợi giao thương, trên bến dưới thuyền; nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó trên 51,5% đã qua đào tạo, sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp cùng những tiềm năng kinh tế đa dạng trên các lĩnh vực nông - công nghiệp và thương mại - dịch vụ khác đang chờ doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác.

 

Trên thực tế, ý tưởng đưa Tiền Giang trở thành “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh đã được gắn chặt với chiến lược phát triển của toàn vùng. Bởi theo định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của Vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng sông Mê Kông mở rộng, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh.

 

Trong lộ trình ấy, Tiền Giang được tính toán phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước.

 

Kết nối hiệu quả

 

Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Từ năm 2004 đến nay, tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 3 giai đoạn: Giai đoạn 2004 - 2009, giai đoạn 2010 -2015 và giai đoạn 2016 - 2021. Sau mỗi giai đoạn, 02 địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá và ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới.

 

“Thực hiện các nội dung hợp tác, tỉnh Tiền Giang rất tích cực, chủ động triển khai; chỉ đạo các sở, ban, ngành trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các sở, ban, ngành TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực như: Thu hút được 28 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp có người đại diện theo pháp luật là cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh (với tổng vốn đầu tư hơn 4.629 tỷ đồng); Thành lập mới 103 doanh nghiệp có người đại diện theo pháp luật là cá nhân tại TP Hồ Chí Minh; Đã thực hiện 68 chuỗi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng cho các thị trường và TP. Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đã tham gia đầu tư, sản xuất, xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại với nhiều hình thức, góp phần hiện đại hóa hạ tầng thương mại, đa dạng hóa các hình thức kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích.”- Ông Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ.

 

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đã phối hợp mở nhiều tour, tuyến du lịch để kết nối các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, vùng trái cây của tỉnh với TP. Hồ Chí Minh; phối hợp mở tuyến xe buýt từ Bến xe thị xã Gò Công đến Ga hành khách Quận 8; hợp tác xây dựng dự án Trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang và Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang đã được Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Từ Dũ chuyển giao, đào tạo các kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe và điều trị cho bệnh nhân…

 

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Trong giai đoạn tới, để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, tiếp tục hợp tác phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, tỉnh Tiền Giang đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025: Đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đi huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại; Đầu tư xây dựng Trung tâm thu mua nông sản tại tỉnh Tiền Giang; Đầu tư phát triển du lịch Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang; Đầu tư, hợp tác giữa Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang với các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. 

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang