Thứ Sáu, 22/11/2024 11:57:29 GMT+7
Lượt xem: 648

Tin đăng lúc 04-05-2024

Tiếp nối tinh hoa nghề khắc mộc bản

Khắc mộc bản là một nghề thủ công tập hợp nhiều nét tinh hoa, nhất là khắc chữ Hán Nôm đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ cần khéo nghề mà còn phải thành thạo chữ cổ. Xưa kia, ba làng Thanh Liễu, Liễu Tràng và Khuê Liễu (Hải Dương) là đất tổ nghề khắc mộc bản, được Thám hoa Lương Như Hộc truyền nghề. Nghề khắc mộc bản qua thời gian đã gần như mai một, nhưng có một nghệ nhân trẻ đang cố gắng tiếp nối nghề của cha ông để lại, góp phần khôi phục làng nghề.
Tiếp nối tinh hoa nghề khắc mộc bản
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt say mê với công việc khắc mộc bản

Hôm nay, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt tạm gác mọi công việc để lên chùa Trăm Gian (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) tìm hiểu các bản kinh cổ. Nhưng thay vì xem các bản kinh, Nguyễn Công Đạt xem kỹ các trang đầu, trang cuối sách để tìm một chi tiết đặc biệt khác.

 

Nối nghiệp khắc mộc bản xưa

 

Nguyễn Công Đạt cho biết: “Có một chi tiết mà mọi người thường không để ý là trong các bản kinh và sách cổ dùng kỹ thuật in mộc bản đều có phần viết về người biên soạn, người viết và người khắc các bản in đó. Phần này thường được các cụ in ở trang đầu hoặc trang cuối của sách. Qua đó mà tôi biết được những thông tin về làng Thanh Liễu, nơi phát tích của nghề khắc mộc bản”.

 

Đạt cho tôi xem một số tư liệu, ở đó ghi rõ tên người khắc chữ, quê quán, năm tạo sản phẩm. Đến giờ, Đạt đã tìm được đến hơn 160 nghệ nhân quê Thanh Liễu có tên trên những bản kinh, bản sách cổ. Ngắm nét chữ của người xưa cũng là động lực để Đạt nỗ lực hơn.

 

Khi công nghệ in ấn chưa phát triển, để có một trang sách, người xưa phải khắc chữ dương bản ngược lên một tấm ván, sau đó phết mực và in ra. Ngay cả các làng tranh dân gian cũng phải dựa vào những bản khắc gỗ do các làng nghề khắc gỗ cung cấp. Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501) chính là ông tổ của nghề khắc mộc bản do có công truyền dạy cho dân ba làng: Hồng Lục (tức Thanh Liễu), Liễu Tràng, Khuê Liễu (nay đều thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

 

Thời đó, người dân các làng nghề này gần như “làm chủ” nghề in của cả miền bắc. Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả cho nên mới có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/ Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn” (Sinh, Sếu, Tràng là tên Nôm của ba làng: Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu). Khi kỹ thuật in của phương Tây du nhập vào nước ta, nghề khắc mộc bản dần mai một. Thanh Liễu có ngôi đình thờ Tổ nghề Lương Như Hộc, nhưng di tích này đã bị phá hủy trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến. Những hào quang một thuở vì thế càng phai mờ. Sau này, người ta chỉ còn biết là trong làng có vài người làm nghề khắc dấu.

 

Nguyễn Công Đạt sinh năm 1992 ở làng Thanh Liễu. Từ khi ba, bốn tuổi Đạt đã mê vẽ. Từ khi còn rất bé, cứ có chỗ nào là Đạt vẽ rồng, vẽ phượng. Lớn lên, Đạt cũng chỉ biết mang máng rằng làng mình có nghề khắc gỗ cổ truyền. Sau này, Đạt học ngành Thiết kế nội thất (Đại học Mở Hà Nội). Đó cũng là lúc Đạt bắt đầu mày mò tự học khắc dấu.

 

Tốt nghiệp đại học, Đạt vẫn gắn bó với trang trí mỹ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật đắp nổi các linh thú, hoa văn cho đình chùa, nhưng dường như nghiệp khắc mộc bản đã vận vào người, Đạt trở về quê hương với việc luyện nghề khắc gỗ…

 

Khắc gỗ đúng lối Thanh Liễu có nhiều khác biệt. Dụng cụ quan trọng nhất của người thợ là con dao ngang là loại dao khắc có lưỡi lõm vào tạo thành một đường cong hình bán nguyệt. Với khắc chữ, người ta viết lên giấy dó, dán giấy có viết chữ lên bề mặt gỗ rồi chà cho giấy bay đi, chỉ phần mực còn lại trên gỗ. Công đoạn này gọi là bắt mực sang gỗ.

 

Sau đó, phần việc quan trọng nhất mới bắt đầu. Công việc không cho phép sai sót. Lưỡi dao đi dọc theo các nét mực viết chữ, khoét sâu xuống vừa độ. Cũng lưỡi dao ấy sẽ lấy đi những phần gỗ thừa, dần dần để lại những ký tự chữ Hán viết ngược nổi lên. Có những nét chấm, nét phẩy chỉ bằng đầu hạt gạo. Công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự cẩn thận cao nhất bởi một nét dao quá tay có thể khiến chữ biến dạng, phải làm lại toàn bộ bản khắc.

 

Nhiều người thấy Đạt khắc tranh, khắc chữ đẹp cho nên gặng hỏi anh học ở thầy nào. Nhưng thật ra, Đạt tự học bằng tình yêu, bằng sự tìm hiểu, tự nghiên cứu khi xem lại những bản khắc xưa. Để có thể làm tốt công việc của mình, Đạt quyết định học chữ Hán. Và chính việc học chữ Hán đã giúp Đạt không chỉ khắc được cái hình, mà chuyển tải được cả hồn của những con chữ.

 

Hơn thế, đọc được những văn bản chữ Hán giúp anh biết thêm những câu chuyện cũ như người thợ Thanh Liễu ghi dấu công việc của mình ở hầu như khắp các ngôi chùa lớn ở miền bắc, từ xứ Đông cho đến xứ Đoài…

 

Ngay cả bộ sách lừng danh của Henri Oger-Kỹ thuật người An Nam-xuất bản hồi đầu thế kỷ 20 cũng có đóng góp lớn của những người thợ Thanh Liễu. Trong đó, các tư liệu còn ghi rất rõ, cụ Nguyễn Văn Đãng là một trong những người có nhiều đóng góp.

 

Đạt cho biết thêm: “Lâu nay, mọi người cứ nghĩ thợ Thanh Liễu chỉ đi khắc thuê theo yêu cầu. Nhưng khi biết chữ Hán, em đọc được các văn bản cổ cho biết các cụ không đơn thuần là người khắc thuê, nhiều cuốn sách do các cụ trong làng làm gần như toàn bộ các công đoạn: Soạn văn, viết, khắc chữ và đóng sách”.

 

Trả lại tên cho làng nghề

 

Nghệ nhân Nguyễn Công Sáng là một người thợ lâu năm ở Thanh Liễu. Cha của ông, cụ Nguyễn Công Hành là một người thợ khắc có tiếng trước kia. Ông nhớ lại: “Cụ nội tôi từng tham gia khắc kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm. Như bố tôi kể lại thì cụ phải ở trên đó đến mấy năm”. Nhưng đến thời ông thì công việc ít dần. Ngày càng ít người làm nên ngay cả thuật ngữ khắc mộc bản cũng xa lạ với người dân nơi đây.

 

Nguyễn Công Đạt nghe một số cụ nói Lương Như Hộc vốn là người gốc Thanh Liễu, dù miếu làng Thanh Liễu thờ cụ và ba vị khác, nhưng lại thiếu bằng chứng thuyết phục. Trong khi đó, các nguồn thông tin thời hiện đại lại có sự nhầm lẫn về địa danh. Một số cuốn sách cho rằng làng Hồng Lục chính là làng Liễu Tràng. Một số lại ghi hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng là hai làng khác nhau, nhưng lại bỏ quên cái tên Thanh Liễu.

 

Những kiến thức về Hán Nôm đã giúp cho Nguyễn Công Đạt tìm được câu trả lời cho những khuất khúc về tư liệu lịch sử này.

 

Tấm bia số 1 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ghi rõ quê quán cụ Lương Như Hộc là làng Hồng Lục, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng (phủ Hạ Hồng là một phần tỉnh Hải Dương ngày nay). Tuy làng Thanh Liễu bị phá mất ngôi đình, các tư liệu lịch sử cũng mất theo, nhưng cuốn Ngọc phả tổ sư-cuốn sách cổ ghi về cụ tổ nghề khắc mộc bản và một số sắc phong bên làng Khuê Liễu (một trong số ba làng nghề được cụ Lương Như Hộc truyền nghề) đều ghi rõ sự thay đổi địa danh thôn Hồng Lục được đổi thành Thanh Liễu vào năm Tự Đức thứ 3 (tức năm 1850).

 

Nguyễn Công Đạt đem những tư liệu này đi tham khảo nhiều nhà nghiên cứu như: Giáo sư Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hải Dương Tăng Bá Hoành… Nguyễn Công Đạt bảo rằng, bản thân chỉ là một nghệ nhân nhưng vẫn muốn làm sáng tỏ nguồn gốc nghề cổ, nhưng rất may anh đều được các nhà khoa học gặp mặt, cho những lời khuyên hữu ích. Các nhà khoa học đều công nhận sự nhầm lẫn này và động viên Đạt phải cố gắng góp sức khôi phục làng nghề.

 

Muốn làm mọi thứ từ gốc cho nên song song với rèn luyện kỹ thuật khắc mộc bản, nghe nói bất cứ nơi nào có tài liệu khắc chữ xưa, Đạt đều tìm đến. Ở nhiều ngôi chùa còn lưu giữ lượng kinh cổ, hay bản in kinh như: Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Bổ Đà (Bắc Giang), Bà Đá… đều có những bản kinh ghi rõ do các nghệ nhân Hồng Lục-Thanh Liễu san khắc.

 

Mới đây, Nguyễn Công Đạt còn tìm được chứng cứ về tư liệu mộc bản của Trường học/Thư viện Phúc Giang (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi gắn với những đóng góp của dòng họ Nguyễn Huy về phát triển văn hóa, giáo dục) - di sản tư liệu ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương do nghệ nhân Nguyễn Huy Vượng, người làng Hồng Lục thực hiện việc san khắc năm 1758.

 

Sau một thời gian bị lãng quên, ngày càng có nhiều người tìm về những giá trị di sản. Nhiều đơn vị, nhà chùa hoặc tư nhân muốn phục chế những sách cổ, nhất là những tờ bị rách nát, thất lạc; nhiều người chơi tranh in khắc, hay chơi chính tranh khắc bằng gỗ…

 

Những sự kiện ấy diễn ra cùng lúc với việc làng nghề Thanh Liễu được trả lại tên khiến cho nghề khắc mộc bản từng bước hồi sinh. Từ chỗ chỉ có một, hai người biết khắc dấu và phải làm thêm các nghề khác thì giờ ngày càng nhiều người ở đây đã khắc tranh, khắc chữ Hán Nôm.

 

Nghệ nhân Nguyễn Công Sáng chia sẻ: “Nghề khắc mộc bản đòi hỏi sự công phu rất lớn, ngay từ khâu chuẩn bị, chế biến nguyên liệu như chọn gỗ, xẻ ván, ngâm tẩm, hong khô… rồi mới đến công đoạn khắc ván. Bây giờ làng Thanh Liễu được biết đến nhiều hơn. Có cả những vị khách nước ngoài cũng tìm về với Thanh Liễu. Chúng tôi rất kỳ vọng lớp trẻ sẽ kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống của làng nghề sau bao năm bị chìm vào quên lãng”.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang