Mới đây, Trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế thông quan ở các cửa khẩu khiến nông sản ùn ứ ở Lạng Sơn và Quảng Ninh, Bộ NN-PTNT và Bộ GTVT phối hợp tổ chức hội nghị “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” để tìm cơ chế cho xuất khẩu nông sản Việt Nam qua đường biển thuận lợi.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, hiện có khoảng 30 công ty vận tải biển khai thác việc vận chuyển, lưu thông container từ Việt Nam sang Trung Quốc như Cosco, SITC, Yangming...
Theo ông Giang, hàng nông sản xuất bằng đường biển cần phải đầy đủ giấy tờ, xuất bằng chính ngạch và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Bởi hiện nay, nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thiếu giấy tờ, rất dễ bị trả lại. Lúc đó, đơn vị xuất khẩu sẽ phải trả thêm rất nhiều chi phí.
Để mà hàng mà xuất được đi bằng đường biển thì phải thuộc chính ngạch, bộ chứng từ phải đầy đủ. Theo quy định phía Trung Quốc gần đây, chúng tôi tham khảo từ phía các cảng thì thấy rằng người ta yêu cầu mã số vùng trồng rất là khắt khe, để lên được tàu phải có mã số vùng trồng. Nếu hàng sang bên kia không đảm bảo, giấy tờ không đảm bảo thì sẽ bị trả lại mà lúc này người xuất, chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí.
Hiện xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ chiếm 70%, đường biển chiếm 30% và phục vụ cho 2 phân khúc thị trường khác nhau nên việc chuyển đổi đường vận tải sẽ có nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, các doanh nghiệp cần khai thác song song bằng đường biển, đường bộ, thậm chí nghiên cứu chuyển sang đường hàng không. Đối với cước phí vận chuyển, phần lớn là của các hãng tàu quốc tế nên khó can thiệp vào giá. Bộ GTVT sẽ làm việc với các hãng tàu, khuyến khích các đơn vị này tăng tần suất đi chuyến Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời làm việc với một số cảng để ưu tiên các hàng nông sản xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, hiện một số cửa khẩu phía Bắc đã cho thông quan hàng hóa trở lại. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ cần một lô hàng bị phía Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2 là sẽ dừng thông quan tối thiểu 7 ngày để khử khuẩn. Do đó, việc đa dạng hóa các phương thức vận chuyển là cần thiết để hạn chế rủi ro không chỉ trước mắt mà còn lâu dài cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
"Các doanh nghiệp chúng ta phải hết sức tính toán như thế nào để chặt chẽ, đa dạng hóa phương thức vận chuyển. Các hiệp hội doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan nhà nước xem phương thức nào vận chuyển phù hợp với từng thời điểm…" - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ.
Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Rồng Đỏ đề xuất, các hãng vận tải nên phát triển đội tàu lạnh, trọng tải nhỏ để có thể vào các cảng gần vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển quốc tế là thiếu yếu, cơ quan quản lý cần kiểm soát mức giá trần về phí logistics để hàng hóa có thể lưu thông được.
"Theo tôi nên khuyến khích cung nguồn cung bằng tàu lạnh với trọng tại nhỏ từ 3.000 - 10.000 tấn có thể vào vùng nguyên liệu, cảng sông cảng biển có thể xuất khẩu được mặt hàng rau quả tươi…" - ông Thìn nêu ý kiến.
Dù vận chuyển bằng đường bộ hay đường biển, Trung Quốc vẫn kiểm dịch rất chặt chẽ theo chính sách “Zero Covid”. Hiện nay, tất cả hàng nông, thủy sản của Việt Nam khi sang Trung Quốc đều phải đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, sâu hại. Do đó, để việc thông quan được thuận tiện, các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời có giấy chứng ngạch an toàn thực phẩm, tuân thủ hướng dẫn 5K phòng chống, dịch bệnh trên hàng hóa./.
Theo VOV