Thứ Hai, 25/11/2024 13:05:22 GMT+7
Lượt xem: 1248

Tin đăng lúc 17-10-2020

Tìm giải pháp vực dậy ngành mía đường

Nhiều nhà máy đường đóng cửa do kinh doanh thua lỗ, hàng chục nghìn nông dân bỏ trồng mía, diện tích giảm mạnh, ngành mía đường nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn. Vậy đâu là giải pháp vực dậy ngành mía đường trong thời gian tới để tránh "thua ngay trên sân nhà" sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020?
Tìm giải pháp vực dậy ngành mía đường
Cán bộ Công ty cổ phần mía đường Sông Con (tỉnh Nghệ An) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc mía với người dân.

Nhà máy đóng cửa, nông dân bỏ trồng mía

 

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và thực hiện Chương trình "Một triệu tấn đường", ngành mía đường Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ khi tạo việc làm cho hơn 300 nghìn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Từ ngày 1-1-2020, khi Hiệp định ATIGA được thực hiện thì ngành mía đường nước ta bước vào "sân chơi" mới và đang đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Theo Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, trước đây cả nước có 41 nhà máy đường, đến niên vụ 2019 - 2020 đã có 12 nhà máy phải dừng hoạt động. Ðáng chú ý, diện tích mía của cả nước từ 300 nghìn héc-ta nay giảm xuống còn gần 160 nghìn héc-ta. Hơn nữa, từ hơn 300 nghìn hộ dân tham gia trồng mía, nay chỉ còn khoảng 170 nghìn người trồng. Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước sản xuất, tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Về sản xuất, năng lực trung bình của nước ta sản xuất hằng năm từ một triệu đến 1,3 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và sản xuất chế biến khoảng hai triệu tấn/năm. Kể từ khi thực hiện Hiệp định ATIGA, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong tám tháng năm 2020, nước ta nhập khẩu khoảng 860 nghìn tấn. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái-lan vào Việt Nam là chủ yếu với hơn 750 nghìn tấn, trong khi cả năm 2019, lượng đường nhập khẩu từ thị trường này chỉ 300 nghìn tấn. Hơn nữa, sản lượng đường trong niên vụ năm 2019 - 2020 cũng sụt giảm chỉ còn khoảng 800 nghìn tấn so với sản lượng 1,2 triệu tấn của niên vụ năm 2018 - 2019. Dự kiến, niên vụ mía đường 2020 - 2021, sản lượng đường tiếp tục giảm xuống còn 700 nghìn tấn.

 

Rõ ràng, hiện đang tồn tại những khó khăn của các nhà máy đường trong nước khi phải cạnh tranh với đường ở các nước trong khu vực ASEAN. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam cho biết, đất trồng mía vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Ðây là nguyên nhân chính gây khó khăn để xây dựng cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, hạn điền thuê đất ngắn (chỉ từ 3 đến 5 năm) cho nên nông dân không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất vì trồng mía phải thuê thầu đất ít nhất 10 năm thì mới thu hồi được vốn đầu tư. Ngoài ra, đất trồng mía chủ yếu là đất đồi, hệ thống thủy lợi ít được đầu tư cho nên diện tích mía chủ động được nước tưới còn rất ít, chỉ 10 đến 15% tổng diện tích; mía trồng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa cho nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Ông Ðào Văn Ðường, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cho biết: "Nếu một héc-ta mía với năng suất đạt từ 60 đến 70 tấn, thì chỉ đủ chi phí đầu vào và thậm chí là lỗ. Vì vậy, để người trồng mía yên tâm sản xuất và có lãi cần đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất toàn bộ. Nhưng để thực hiện được điều đó thì người nông dân cần có cơ chế hỗ trợ, cụ thể như việc mở rộng cơ chế kéo dài thời gian thuê đất. Bởi hiện nay đất nông nghiệp chỉ thuê được tối đa 5 năm, khó cho thu hồi vốn trong việc đầu tư hạ tầng như: Hệ thống tưới, điện, máy bơm...".

 

Qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, năng suất và chất lượng mía nguyên liệu của nước ta còn thấp so với khu vực, mới chỉ đạt khoảng 67 đến 68 tấn/ha (bình quân thế giới là 70 đến 72 tấn/ha). Như vậy năng suất mới chỉ đạt khoảng hơn 90% trung bình thế giới; bình quân mía đưa vào ép với chữ đường dao động từ 10 đến 10,5 CCS, trong khi các nước trong khu vực đạt từ 12 đến 14 CCS.

 

Chuyển đổi những vùng sản xuất không hiệu quả

 

Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Duy cho biết, thông thường một nhà máy đường phải có công suất ép từ sáu nghìn tấn mía/ngày/đêm trở lên mới đạt được lợi thế và có khả năng cạnh tranh với đường trong khu vực. Qua thống kê, công suất ép bình quân của các nhà máy đường trong nước mới ở mức 3.700 tấn mía/ngày/đêm; chỉ có tám nhà máy (thống kê năm 2019) có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn.

 

Ðể cạnh tranh với đường cát ở các nước trong khu vực khi hội nhập, các nhà máy đường trong nước đã và đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm sau đường; chú trọng đầu tư các thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng công suất ép; xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước nhằm tạo ra lợi thế trên sân nhà. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, Phạm Hồng Dương cho biết, hiện nay công ty không đơn thuần sản xuất đường mà chọn chuỗi giá trị của cây mía. Trong đó, bao gồm các giải pháp từ trồng mía, làm ra đường, phân phối, sử dụng cung cấp sản phẩm sau đường cũng như nghiên cứu sâu hơn về chuỗi giá trị mía đường. Bên cạnh đó, công ty cũng hướng đến chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác hướng hữu cơ, để tạo ra các sản phẩm organic; đa dạng hóa sản phẩm sau đường, nhằm nâng doanh thu, lợi nhuận để hỗ trợ người trồng mía, ổn định vùng nguyên liệu.

 

Nhằm vực dậy ngành mía trong thời kỳ hội nhập, theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, cần rà soát lại các diện tích sản xuất mía và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả; xác định diện tích kém hiệu quả có thể chuyển đổi thì có chính sách khuyến khích và cho phép chuyển đổi; diện tích có lợi thế và phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, giảm tổn thất từ đó giảm chi phí trồng mía; xây dựng vùng sản xuất mía tập trung, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Ðồng thời, chú trọng sản xuất mía theo hướng liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân với nhà máy đường để ổn định vùng nguyên liệu, bảo đảm đầu ra ổn định…

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang