Nhu cầu thị trường rộng mở
Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương- dẫn nguồn freshplaza.com cho biết, quy mô thị trường trái cây sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỷ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019 - 2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch.
Ngoài ra, nhận thức về lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng đối với trái sầu riêng được nâng cao cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu sản phẩm. Loại quả này giúp kiểm soát lượng đường và giảm nguy cơ ung thư do có đặc tính chống oxy hóa, chống trầm cảm và chống lão hóa. Trong số các sản phẩm làm từ trái sầu riêng, thì sản phẩm bột và sầu riêng dạng nhuyễn cấp đông chiếm thị phần lớn, trong năm 2018 các sản phẩm này chiếm 70% trong số các sản phẩm được làm từ trái sầu riêng. Thái Lan và Malaysia là những thị trường sản xuất sầu riêng và xuất khẩu sầu riêng dạng nhuyễn đông lạnh trên toàn thế giới. Do sản phẩm này dễ vận chuyển hơn là cung cấp trái sầu riêng tươi, bảo quản được lâu hơn, vì vậy các sản phẩm này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dự báo.
Hiện nay, Trung Quốc được xem là nơi tiêu thụ lý tưởng cho sầu riêng. Theo một số liệu của Liên hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỉ qua. Thái Lan đang thống trị thị trường tỉ dân này. Tuy nhiên, Malaysia cũng đang có những bước xâm nhập mạnh mẽ khiến người Thái lo ngại.
Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan đạt 63,43 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2019; với giá nhập khẩu bình quân đạt 5,8 USD/kg, tăng 2,9% trong cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Malaysia đạt 40,37 triệu USD, tăng 128,4% so với nửa đầu năm 2019.
Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn đang đàm phán. Trong năm nay, thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn. Hiện, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán để có thể xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, khi đó, cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam sẽ rộng mở hơn.
Tại Australia, sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi, hoặc múi tách hạt đang là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Australia là rất lớn. Người gốc Á tại Australia thưởng thức sầu riêng đông lạnh quanh năm. Người gốc Tây phương cũng bắt đầu trải nghiệm do các chiến lược quảng bá sầu riêng của nhiều quốc gia gây hiếu kỳ. Sản phẩm này chủ yếu được nhập khẩu từ một số các quốc gia châu Á, trong đó sầu riêng Thái Lan và Malaysia đang chiếm lĩnh thị trường. Đối với Việt Nam, hoàn toàn có thể thay thể quả tươi vốn phải mất thời gian dài đàm phán mở cửa. Đây được xem là “con đường mới” sầu riêng Việt Nam đặt chân thị trường khó tính này.
Để chiếm lĩnh thị trường sầu riêng trị giá hàng triệu USD trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã có nhiều chương trình để phát triển thương hiệu sầu riêng Việt Nam tại thị trường này. Năm 2019, Thương vụ đã xây dựng báo cáo nghiên cứu thị trường, và tư vấn các doanh nghiệp việc xây dựng thương hiệu bao bì. Ví dụ, đối với đông lạnh nguyên quả nên có tem nhãn hiệu và lưới bao quanh để dễ xách. Nếu có lưới bằng sợi bàng, lục bình càng gây được ấn tượng sinh thái. Đối với sầu riêng đông lạnh nguyên múi nên có hộp giấy và có vị trí trong suốt để khách hàng nhìn thấy sầu riêng; màu sắc nên sang trọng để xứng tầm “quả vua”.
Cũng trong năm 2019, Thương vụ đã chủ động kết nối nhập khẩu và thực hiện quảng bá “Hành trình thưởng thức sầu riêng Việt Nam - 2019” trên đường phố Sydney bằng ô tô cổ, cùng với hình ảnh áo dài Việt Nam đã gây được hiệu ứng tốt không chỉ tại Australia. Từ hiệu quả của chương trình, năm 2020 Thương vụ phối hợp với Công ty Asean tổ chức Tuần lễ sầu riêng Việt Nam tại Australia đồng loạt tại 3 khu vực đông người gốc châu Á là Marrickville, Eastwood và Cabramatta. Lượng sầu riêng thực hiện chương trình xúc tiến đợt này là 7 tấn và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng, một khi đã tạo dựng được thương hiệu, khẳng định được chất lượng, sự an toàn theo tiêu chuẩn của thị trường Australia nói riêng và thị trường nhập khẩu nói chung, sầu riêng Việt Nam cũng sẽ được nhiều thị trường đánh giá cao.
Tìm kiếm thị trường mới song song với xây dựng thương hiệu
Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Với diện tích 47.300ha, sản lượng 478.600 tấn/năm. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên - nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Mặc dù vậy, cây sầu riêng cũng tỏ ra thích nghi với vùng đất này khi sinh trưởng, cũng như cho năng suất và chất lượng tốt.
Trong tháng 12/2020, giá sầu riêng tại vùng chuyên canh tỉnh Tiền Giang tăng mạnh, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Thương lái mua sầu riêng với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng quả và địa bàn gần xa. Nguyên nhân là do thời điểm này vùng chuyên canh sầu riêng đang vào vụ nghịch nhưng đa phần vườn sầu riêng bị ảnh hưởng đợt hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 vừa qua nên chưa hồi phục, gây thiếu nguồn cung sầu riêng trên thị trường.
Điểm đến cho việc xuất ngoại của sầu riêng cũng không nhiều bởi đặc tính phân chia người dùng ra hay thái cực rạch ròi giữa thích và sợ. Do vậy, việc tìm kiếm thêm các thị trường mới và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam để thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị trên trường quốc tế là điều hết sức cần thiết.
|
Theo báo Công Thương