Trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và 2 ngành truyền thống là dệt may và da giày trên cơ sở xác định chiến lược phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Ông Hirotaka Yasuzumi - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cho biết, JETRO đánh giá rất cao nỗ lực của TPHCM nhằm phát triển CNHT và sẽ nỗ lực hỗ trợ Thành phố thực hiện các chính sách này.
Tại khu vực phía Nam thì TPHCM là trung tâm, tỷ lệ cung ứng nội địa của các DN phía nam cho các DN Nhật Bản là 36%, trong đó tỷ lệ cung ứng của các DN Việt Nam (DN bản địa) cho các DN Nhật Bản là 17%.
Để giúp các DN bản địa tăng tỷ lệ cung ứng nội địa, từ trước đến nay, JETRO thường tổ chức các buổi kết nối, gặp mặt doanh nghiệp, tổ chức triển lãm để kết hợp DN Việt Nam và Nhật Bản với nhau, tạo cơ hội cho họ gặp nhau, hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, ông Hirotaka Yasuzumi cho biết qua quá trình tổ chức nhiều lần, thường là các “gương mặt DN cũ”, không thấy có những DN mới. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, JETRO sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương của Việt Nam làm sao có thể tìm ra những DN Việt Nam mới có khả năng hợp tác được với các DN Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một khó khăn cho việc kết nối các DN Việt Nam và DN Nhật Bản, nhất là các DN trong ngành CNHT hiện nay, đó là vấn đề minh bạch thông tin.
Các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn hạn chế, công khai minh bạch thông tin gây ra hạn chế cho các DN nước ngoài, nhất là các DN Nhật Bản, họ muốn tìm kiếm đối tác của mình, nhưng khi mà thông tin của các DNNN không minh bạch, họ rất khó có thể kết nối để cùng làm ăn, hợp tác.
Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề như: thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu, sản phẩm có chất lượng không cao, và thiếu ổn định...
Chính những vấn đề của DNNN và DNNVV Việt Nam nói trên đã khiến cho các DN Nhật Bản rất khó trong việc mở rộng mạng lưới của mình khi muốn mua các sản phẩm, mua nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của họ. DN Nhật Bản mong muốn Chính phủ và các địa phương trong đó có TPHCM quản lý tốt các DNNN làm sao để hạn chế các vấn đề không minh bạch về thông tin, thủ tục hành chính, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho các DNNVV hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực CNHT.
Để phát triển ngành CNHT trong nước (trong đó đa phần là các DNNVV), mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Trong khi đó, TPHCM cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lĩnh vực này. Đáng chú ý là Quyết định 50/2015/QĐ-UBND của TPHCM quy định việc thực hiện kích cầu hỗ trợ đầu tư và Quyết định 8215/QĐ-UBND cuối tháng 12/2015 về phát triển CNHT gắn với DNNVV.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, TPHCM cần phải vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật một cách linh hoạt để xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng như bảo lãnh tài chính cho DN không có tài sản thế chấp, xây dựng quỹ tài chính mạnh để hỗ trợ các DN. Có như vậy CNHT mới phát triển được.
Bên cạnh đó, xử lý về vấn đề môi trường của Việt Nam hiện nay rất chậm chễ, lạc hậu so với thế giới. Cách làm hiện giờ đó là đang hạn chế những ngành công nghiệp có tác động gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo ông Hirotaka Yasuzumi, vẫn nên cho DN đầu tư với điều kiện là DN phải cam kết có công nghệ xử lý môi trường thật tiên tiến và quản lý vấn đề môi trường thật chặt chẽ. Với điều kiện như vậy sẽ giúp cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ hơn. Và đồng thời với cách làm như vậy, Việt Nam mới có thể kiến tạo, phát triển bền vững cho nền kinh tế của mình.
Lê Anh