Ngoài sự hiện diện của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Định còn có các ông: Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH & CN tham dự.
Từ hướng đi đúng, phát triển kinh doanh mang đậm tính nhân văn…
Mới đây, tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 đã báo cáo về số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020, theo đó tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc, xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020 và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, xếp thứ 50/185 sau 2 năm. Tổng Giám đốc BIDIPHAR Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, việc khánh thành nhà máy mới thuốc điều trị ung thư với 2 dây chuyền thuốc tiêm, thuốc viên được đầu tư và áp dụng hệ thống quản lý theo GMP-EU sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng thuốc cũng như góp phần tích cực vào việc chủ động thuốc ung thư sản xuất trong nước với chi phí hợp lý. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Đây là sự lựa chọn đúng đắn hướng phát triển sản xuất tất yếu của BIDIPHAR thời điểm hiện tại, để hướng vào tầm nhìn tương lai mang đậm tính nhân văn trong đầu tư phát triển.
Tổng Giám đốc BIDIPHAR Phạm Thị Thanh Hương báo cáo đầu tư dự án 2 nhà máy
…Đến quy mô đầu tư xứng tầm
Để có một Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư với quy mô hiện đại hôm nay, BIDIPHAR đã phải trải qua quá trình nghiên cứu, phát triển lâu dài và sự đầu tư nguồn lực lớn. Đồng thời, có sự hỗ trợ từ Bộ KH & CN và các viện, Trường ĐH Y dược, Bidiphar khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tiêu chuẩn GMP-EU, thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu từ năm 2018 trên diện tích 15.350 m2, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Các đại biểu Trung ương và của tỉnh thực hiện nghi thức bấm nút khởi công Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU
Nhà máy được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc) và đang trên lộ trình nâng cấp lên tiêu chuẩn GMP-EU, vận hành với công suất 3 triệu sản phẩm thuốc tiêm/năm và 70 triệu sản phẩm thuốc viên/năm. Nhà máy được đầu tư những thiết bị hoàn toàn tự động, khép kín và ứng dụng công nghệ hiện đại của sản xuất dược phẩm như: Công nghệ sản xuất thuốc vô trùng; công nghệ cô lập; công nghệ đông khô; công nghệ điều khiển và thu thập dữ liệu tự động; công nghệ đóng gói tự động và kiểm soát truy vết.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyến phát biểu tại buổi Lễ
Như vậy, đến nay, nước ta có hơn 200 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; thuốc sản xuất trong nước hiện đáp ứng hơn 60% nhu cầu điều trị. “Điều này góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân, nhất là khi xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm lớn, như trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Đồng thời, khẳng định BIDIPHAR là một trong những doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam đã góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho các bệnh viện để phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân”. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Tạo sự cộng hưởng mới cho BIDIPHAR hướng tới tương lai
Cùng ngày, BIDIPHAR tổ chức Lễ khởi công Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU được xây dựng trên diện tích 25.000 m2 nằm trong cụm nhà máy dược phẩm công nghệ cao của đơn vị, với tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2027 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác, công suất 120 triệu sản phẩm/năm. Đây là một trong số dự án đầu tư đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của BIDIPHAR, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp Dược, giúp Việt Nam chủ động và bình ổn giá thuốc, người dân được tiếp cận thuốc chất lượng với chi phí hợp lý, đáp ứng mục tiêu chiến lược của Chính phủ “Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu điều trị vào năm 2030”.
Ông Lâm Hải Giang - Phó chủ tịch UNND tỉnh Bình Định phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang khẳng định, thành công của dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư và khởi công nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ của Bidiphar là minh chứng cho việc Bình Định có nhiều lợi thế và tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự kiện này cũng là động lực mới trong hành trình phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Định trong những năm tới.
Đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư theo tiêu chuẩn GMP-EU
Hiện nay, BIDIPHAR tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, ứng dụng KH&CN, công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển, sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, đặc biệt dòng thuốc điều trị ung thư hướng tới các sản phẩm điều trị đích, sản phẩm công nghệ sinh học, nhằm góp phần hiệu quả hơn nữa vào việc cung cấp thuốc chất lượng, hiệu quả, giá thành hợp lý cho người dân.
BIDIPHAR chọn đột phá trong nghiên cứu phát triển những dòng sản phẩm mới, lợi thế cạnh tranh
Đồng thời, Công ty nhanh chóng ứng dụng công nghệ AI và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, góp phần hiện đại hóa ngành Dược. Mặt khác, tập trung nguồn lực, chủ động đột phá trong lợi thế cạnh tranh từ cây dược liệu của địa phương; phát triển dự án vùng trồng dược liệu, đưa dược liệu thành nguyên liệu đầu vào thông qua công nghệ chiết suất, tinh chế, tiêu chuẩn hóa và phát triển mới các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Văn Thuận