Năm 2015, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN tỉnh Điện Biên (TTKC) đã thực hiện thành công 2 đề án là: Đề án hỗ trợ cụm máy móc trong sản xuất miến dong tại xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay) và Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong chế biến cà phê bột tại Công ty TNHH cà phê Đại Bách (xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng), với tổng kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Lò Văn Thiện - Phụ trách Phòng Khuyến công – TTKC Điện Biên thì kinh phí hỗ trợ 2 đề án trên đều từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Năm 2015, Điện Biên không triển khai được đề án khuyến công địa phương nào do là tỉnh miền núi nghèo nên kinh phí dành cho công tác khuyến công rất hạn chế. Mỗi năm, KC địa phương của tỉnh chỉ được giao khoảng 500 triệu đồng, không đủ đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, thậm chí năm 2015 còn không bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ - ông Thiện nói.
Nhằm tháo gỡ, giảm bớt một phần khó khăn về kinh phí cho công tác khuyến công, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 24 tỷ đồng. Theo đó, Chương trình sẽ dành 11,6 tỷ cho việc hỗ trợ phát triển cụm, điểm CN; 7,5 tỷ đồng dành hỗ trợ xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, công nghệ mới, hỗ trợ 30 cơ sở công nghiệp đầu tư, cải tiến và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; 950 triệu đồng phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ đào tạo, truyền nghề cho từ 2-3 cơ sở sản xuất công nghiệp/năm… Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên hỗ trợ cho chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới… Trong đó, một số ngành sẽ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ như: Công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp...
Để đạt được mục tiêu Chương trình đề ra là phấn đấu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 5.042 tỷ đồng, Điện Biên sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh; Đảm bảo cân đối bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm; Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công... Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn nông thôn của tỉnh hưởng những ưu đãi như: Bố trí mặt bằng phù hợp, giảm bớt các thủ tục hành chính... nhằm thu hút, tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư và gắn bó với chương trình, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà trong giai đoạn mới./.
NQ