Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang, do Công ty cổ phần Halcom Việt Nam và đối tác là tập đoàn SE, Nhật Bản chủ đầu tư đã chính thức khánh thành Nhà máy điện mặt trời tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Dự án nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang được khởi công vào tháng 6/2020, sau 6 tháng triển khai thi công nhà máy đã chính thức phát điện lên lưới vào ngày 26/12/2020.
Dự án có diện tích 33 ha, gồm 79.000 tấm pin năng lượng mặt trời, nhà điều hành, trạm biến áp, 6,83 km tuyến đường dây mạch kép 110kv Vị Thanh - Long Mỹ đi qua địa bàn 2 xã Hòa An, Long Bình thuộc huyện Phụng Hiệp và phường Vĩnh Tường thuộc thị xã Long Mỹ. Tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng.
Nhà máy có công suất 35 MWp, sản lượng điện dự kiến khoảng 50.800 MWh/năm, doanh thu dự kiến của nhà máy khoảng 80 tỷ đồng/năm. Đây là dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên đi vào hoạt động tại địa bàn tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng bức xạ mặt trời ở Hậu Giang và phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ chính trị cũng như quy hoạch chung về điện mặt trời tại tỉnh Hậu Giang.
Theo nhận xét của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại buổi lễ khánh thành: Dự án điện mặt trời tại xã Hòa An hoàn thành đúng tiến độ thể hiện quyết tâm cao của Chủ đầu tư Halcom Việt Nam, sự nỗ lực và phối hợp của các bên, gồm Công ty CP Điện Mặt Trời VKT- Hòa An là doanh nghiệp dự án; liên danh Nhà thầu GE (General Electric - Mỹ) và Công ty IPC (Việt Nam) cùng đối tác trong liên danh đầu tư là tập đoàn Shizen Energy - Nhật Bản. Dự án được đưa vào sử dụng góp phần tạo thêm việc làm, đóng góp ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án sử dụng nguồn năng lượng mặt trời nên có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường cũng như nguồn tài nguyên. Phát triển điện mặt trời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho rằng: “Dự án nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hậu Giang có tiến độ đầu tư nhanh là nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Hậu Giang và sự ủng hộ của bà con nhân dân có đất đai, hoa màu bị ảnh hưởng trong vùng dự án".
“Dự án này chỉ mới là bước khởi đầu của kế hoạch đầu tư dài hạn và bền vững của Halcom tại tỉnh Hậu Giang. Hiện nay, chúng tôi cũng đã được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương mở rộng dự án điện mặt trời Hậu Giang II với công suất 40MWp nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình kỹ thuật hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, với chiến lược phát triển hạ tầng bền vững, chúng tôi còn mong muốn được đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như hạ tầng, đô thị, cấp thoát nước, và các ngành khác trong nền kinh tế tuần hoàn, từ đó góp phần nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh Hậu Giang”, ông Quân chia sẻ.
Cũng theo đại diện Công ty CP Halcom Việt Nam: Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang đánh dấu bước đi thành công tiếp theo của Công ty trong định hướng tạo ra nguồn năng lượng sạch và phát triển bền vững, với mục tiêu tới năm 2025 đạt công suất 300-500 MW năng lượng tái tạo.
Halcom Việt Nam được thành lập vào năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và tư vấn phát triển hạ tầng – đô thị, tính đến nay, Halcom đã tham gia hơn 200 hợp đồng dịch vụ tư vấn dự án ODA có nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Trong lĩnh vực đầu tư, bên cạnh Dự án điện mặt trời Hậu Giang, trong năm 2020, Halcom cũng đã đưa Dự án điện gió Phương Mai 3 tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bỉnh Định vào vận hành khai thác.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang thu hút 9 dự án điện mặt trời lớn. Ngoài ra, khoảng 96 nhà đầu tư đã tới Hậu Giang để tìm hiểu và xin phép đầu tư vào những dự án điện mặt trời ở các trang trại nông nghiệp với tổng công suất đăng ký là 212MW.
Theo Enternews