Thứ Sáu, 22/11/2024 14:48:40 GMT+7
Lượt xem: 1704

Tin đăng lúc 14-06-2020

Tỉnh Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển CNHT những lĩnh vực then chốt

Hưng Yên là một trong những địa phương có có số lượng lớn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) sớm nhất tại các tỉnh miền Bắc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có gần 200 dự án sản xuất các sản phẩm CNHT, trong đó có 21 dự án thuộc ngành sản xuất, lắp ráp ô tô; 20 dự án thuộc ngành điện tử; 18 dự án thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo… đang sản xuất phụ tùng, linh kiện, các chi tiết phục vụ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Tỉnh Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển CNHT những lĩnh vực then chốt
Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Maz Asia (Kim Động) đi vào hoạt động tạo việc làm cho nhiều lao động

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử phục vụ cho các dự án sản xuất và lắp ráp ô tô, dệt may tạo thành chuỗi các DN phụ trợ trên địa bàn tỉnh. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh các DN trong nước có năng lực sản xuất các sản phẩm linh kiện, thiết bị như: Công ty TNHH Hamaden Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô; Công ty TNHH Dây và Cáp điện ô tô Sumiden Việt Nam; Công ty TNHH Kosaka Việt Nam; Công ty TNHH Dây và Cáp điện Ngọc Khánh… thì còn có nhiều DN lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào các KCN của tỉnh cũng đã sản xuất các mặt hàng điện tử, cung cấp linh kiện. Điều đáng quan tâm là, số lượng các DN nước ngoài tuy ít hơn nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất CNHT, còn DN trong nước thì công nghệ lạc hậu và mới chỉ dừng ở sản xuất sản phẩm dân dụng, thiếu nhiều sản phẩm điện tử chuyên dụng, khả năng cạnh tranh thấp, do phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vật tư, nguyên liệu nhập từ nước ngoài. 

 

Đối với ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh hiện được coi là ngành có giá trị sản xuất, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của ngành CN tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng: CNHT ngành Dệt may trong nước chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành còn thấp, khả năng tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế, do các DN chưa phát triển tốt thương hiệu của mình, trong kinh doanh còn qua nhiều trung gian, thậm chí lệ thuộc về thị trường khi giao dịch với nước ngoài. Bên cạnh đó, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh môi trường… có những quy định rất khắt khe cũng là một trở ngại đối với các DN khi tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế.


Được biết, để thực hiện đề án phát triển CNHT tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Sở Công Thương Hưng Yên đã tham mưu cho Tỉnh hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển CCN, bảo đảm phù hợp với điều kiện mới và những quy định của Chính phủ; Tích cực tìm kiếm, vận động, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN; Có cơ chế chính sách ưu đãi về phát triển CNHT; ưu tiên các DN trong nước sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô; khuyến khích đầu tư các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao; có cơ chế phối hợp, gắn kết giữa các DN với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư sản xuất, kinh doanh của DN...

 

Mai Hương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang