Bước đầu tăng trưởng
Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc. Sau 15 năm chia tách tỉnh, hiện Lai Châu đã có bước phát triển vượt bậc. Trong đó, tăng trưởng kinh tế luôn đạt khá, thu ngân sách năm 2018 đạt trên 2.200 tỷ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của tỉnh theo giá hiện hành là 15.056 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng.
Song hành cùng sự phát triển của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng có bước phát triển lớn mạnh, với 120 Doanh nghiệp có vốn đăng ký 159 tỷ đồng ban đầu, đến nay đã có hơn 1.380 Doanh nghiệp, 320 hợp tác xã, với số vốn đăng ký 27.035 tỷ đồng.
Dù là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh cũng còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao nên vẫn còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của các doanh nghiệp.
Thực tế, các doanh nghiệp đã phải nỗ lực vượt qua để có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ, Lai Châu vẫn là tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, xuất phát điểm thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng còn thiếu, tỷ lệ nghèo còn cao; các thành phần kinh tế còn khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh cũng nghiêm túc nhận thấy trong thực hiện các cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý vẫn còn chưa thật sự được thông thoáng, cải cách hành chính còn chậm, chưa tạo được nhiều thuận lợi cho Doanh nhân trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Khơi thông các điểm nghẽn
Hiện, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh là 1.404 với tổng số vốn điều lệ đăng ký: 27.035 tỉ đồng. Số Doanh nghiệp kê khai thuế 938 Doanh nghiệp. Tổng số Hợp tác xã là 317 Hợp tác xã.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng, tỉnh mong muốn làm sao tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, xác định điểm nghẽn trong quá trình chỉ đạo điều hành; Đặc biệt, lắng nghe tham vấn của doanh nghiệp để định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong quá trình chỉ đạo điều hành của chính quyền tỉnh Lai Châu.
Trong bối cảnh hiện nay, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công thì cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 2 phía. Trước hết là nỗ lực của chính các doanh nghiệp và thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính quyền.
Đối với doanh nghiệp, muốn vươn lên, bản thân các Doanh nghiệp cũng cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thay vào đó cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, phải học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn. Về phía chính quyền, tỉnh sẽ nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2019 “ Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra chiều 22/5, Ban tổ chức chia ra 4 lĩnh vực gồm: Nông nghiệp, tài nguyên và môi trường; Công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ; lĩnh vực văn hóa du lịch, lao động và thông tin; lĩnh vực cải cách hành chính, chính sách đầu tư và thanh tra. Được biết, trước khi tổ chức Diễn đàn, Ban Tổ chức đã triển khai thu thập, lấy ý kiến của khoảng 1.400 doanh nghiệp và 237 hợp tác xã để tổng hợp thành các nhóm vấn đề chuyển cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xem xét có ý kiến trả lời cho các doanh nghiệp tại Diễn đàn.
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu, các doanh nghiệp đã có những ý kiến nêu ra những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất để lãnh đạo tỉnh trả lời, giải đáp.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Lai Châu là tỉnh xuất phát điểm thấp nhưng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Đó là những kêt quả chưa cao nhưng vô cùng có ý nghĩa. Lai Châu với tiềm năng lớn về nông nghiệp, du lịch lẽ ra sẽ đạt nhiều thành tựu cao hơn tuy nhiên những năm qua, do môi trường đầu tư chưa cải thiện, PCI vẫn còn trong nhóm tương đối thấp của cả nước.
Tỉnh cần tạo đột phá trong môi trường đầu tư để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội tại phát triển, vừa là điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư.
Tới đây, tỉnh cần chủ động tích cực có các sáng kiến để cải thiện môi trường đầu tư; Cần công khai, minh bạch các TTHC, khẩn trương thành lập Trung tâm hành chính công và xây dựng các chương trình hành động để giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp. “Tôi đánh giá cao sự coi trọng và cầu thị lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, tỉnh cần tổ chức đối thoại doanh nghiệp trên nhiều góc độ (theo ngành, theo nhóm, theo vùng…), trong đó tỉnh cần quan tâm đối thoại với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để nắm bắt tâm tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa kinh tế Hàn - Việt Kwon, Sung-Taek, trước khi đến Lai châu, chúng tôi nghĩ Lai Châu là một tỉnh nhỏ những sau khi đến tôi bất ngờ với quy mô, điều kiện tự nhiên và đặc biệt sự nhiệt tình của các doanh nghiệp và sự nhiệt tình hỗ trợ trong chính sách của chính quyền tỉnh. Giữ mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, tôi tin rằng Lai Châu sau này sẽ có sự phát triển vượt bậc về kinh tế.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, ngay sau diễn đàn này tỉnh sẽ phải thực hiện những bước đi, có kế hoạch để các ngành, địa phương đối thoại với các nhóm doanh nghiệp. Ví dụ đối với doanh nghiệp thủy điện sẽ đi vào lĩnh vực cụ thể hơn, đi vào khúc mắc đó để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư chính là từ con người, quán triệt việc vô cảm và thờ ơ với công việc là việc làm rất khó nhưng khó đến mấy chúng ta cũng phải làm, để những kỳ đối thoại sau sẽ không để tồn tại những kiến nghị của hôm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, tỉnh đang có kế hoạch tập trung cải cách hành chính; thành lập Trung tâm hành chính công. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có Quy hoạch đối với các dự án có tính hấp dẫn, dư địa cao giúp các nhà đầu tư dễ dàng quan tâm và đầu tư vào Lai Châu. Đối với PCI, tỉnh đã có những phân công nhiệm vụ đối với các sở ngành, địa phương để có sự thay đổi về chỉ số năng lực canh tranh trong năm 2019. “Chúng tôi muốn nhắn nhủ nhà đầu tư trong nước và quốc tế hãy đến với Lai Châu, chính quyền tỉnh sẽ đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp. Lai châu sẽ tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh để các doanh nghiệp phát triển bền vững”, Chủ tịch Trần Tiến Dũng chia sẻ.
Tại Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp chiều 22/5, tỉnh Lai Châu đã ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu. Tỉnh kỳ vọng cộng đồng doanh nhân sẽ hợp tác, cùng nhau tập hợp sức mạnh đoàn kết để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và làm cầu nối gắn kết bền chặt, thân thiện với cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn bó, chia sẻ, giúp doanh nghiệp, doanh nhân tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội để cùng phát triển ổn định và bền vững.
Nguồn Enternews