Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị phát điện trong toàn Tập đoàn đã ký hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện năm 2023 với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. Tổng khối lượng than theo hợp đồng với TKV là 17,98 triệu tấn, với Tổng công ty Đông Bắc 7,05 triệu tấn. Hầu hết là than pha trộn nhập khẩu.
Tại buổi làm việc giữa TKV và EVN nhằm phối hợp bảo đảm cung cấp than cho sản xuất điện, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV khẳng định TKV sẽ nỗ lực bảo đảm cung ứng đủ nguồn than cho sản xuất điện. Đồng thời mong muốn TKV và EVN sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai hợp tác.
Chủ động điều hành linh hoạt sản xuất và tiêu thụ
Năm 2023, TKV phấn đấu tiêu thụ 46,5 triệu tấn than, trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 45,1 triệu tấn, than xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, TKV đã chủ động điều hành linh hoạt giữa sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng sản lượng than cho thị trường và bảo đảm than phục vụ cho sản xuất điện.
Nhằm đáp ứng các chủng loại than trên thị trường, đặc biệt là than cung cấp cho sản xuất điện các đơn vị chế biến, tiêu thụ của TKV như: Công ty Tuyển than Hòn Gai, Công ty Kho vận Đá Bạc, Kho vận và Cảng Cẩm Phả, Tuyển than Cửa Ông cũng đang tập trung đẩy mạnh phương án pha trộn, chế biến tiêu thụ than. Đối với các đơn vị sản xuất, để đáp ứng than cho tiêu thụ, các mỏ đang huy động tối đa nguồn lực đẩy mạnh sản xuất phấn đấu đạt sản lượng cao nhất.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, TKV đã sản xuất được 13,2 triệu tấn than nguyên khai, bằng 33,8% kế hoạch năm; tiêu thụ 15,7 triệu tấn, bằng 33,8% kế hoạch.
Được biết, hiện nay TKV cũng đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2023 cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng sản lượng khoảng 38,52 triệu tấn. Để bảo đảm cung cấp đủ than cho sản xuất điện, hiện TKV tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp nghiên cứu điều chỉnh quy định về công tác tiêu thụ than để các công ty con trực thuộc mua than về pha trộn.
Theo đó, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than sẽ chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm… trong nước. Dự kiến, năm 2023, TKV sẽ nhập khẩu gần 9 triệu tấn than phục vụ công tác pha trộn, tiêu thụ than (đến hết tháng 4/2023, TKV đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn, bằng 29,7% kế hoạch).
Đồng thời chuẩn bị tốt chân hàng cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ đã ký kết hợp đồng theo thứ tự ưu tiên: Điện, hóa chất - phân bón, xi măng.... TKV cam kết sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện.
Điển hình như tại Công ty Tuyển than Hòn Gai, năm 2023, Công ty phấn đấu tiêu thụ trên 11,6 triệu tấn than, tăng 600.000 tấn so với năm 2022. Ngoài ra, Công ty sẽ nhập khẩu 900.000 tấn than phục vụ công tác pha trộn, chế biến.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm, Công ty đã tập trung nhiều giải pháp như kéo than mỏ, sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ theo chỉ đạo của Tập đoàn. Cùng với đó, Công ty đã chủ động phối hợp với Than Núi Béo, Than Hà Tu, Than Hà Lầm và Than Hòn Gai tổ chức kéo than và mua than mỏ bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, chủng loại phù hợp với yêu cầu tiêu thụ và năng lực kho chứa than.
Đặc biệt, trong quý I, tranh thủ thời tiết khô ráo đơn vị đang tăng cường công tác sàng tận thu than để nâng cao tỉ lệ thu hồi, tiêu thụ các chủng loại than cung cấp cho Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh. Trong quý đầu tiên của năm, dự kiến Công ty sẽ tiêu thụ trên 2,7 triệu tấn than, đạt hơn 23% kế hoạch năm, trong đó than cấp tiêu thụ cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh đạt hơn 750.000 tấn.
Theo lãnh đạo Công ty Tuyển than Hòn Gai, để nâng cao năng lực sản xuất trong năm 2023, Công ty đang tập trung đầu tư cải tạo nâng cao năng lực dỡ tải và bốc rót tiêu thụ than cụm cảng Làng Khánh; nạo vét khu vực trước bến cảng và tiếp tục triển khai phương án bảo vệ môi trường tổng thể khu vực Làng Khánh. Đây là một trong 5 phương án môi trường tổng thể vùng than Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030.
Ngoài ra, Công ty còn đang xúc tiến nhanh công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm như: Đầu tư kho chứa than tại Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai giai đoạn 2; hệ thống băng tải vận chuyển than Núi Béo - Hà Tu - Trung tâm chế biến Làng Khánh… Những dự án trọng điểm này chắc chắn sẽ giúp Công ty hiện đại hóa khâu vận chuyển, sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ than. Đồng thời nâng cao sản lượng tiêu thụ, đáp ứng than cho thị trường.
Theo baochinhphu