Dù nửa đầu năm nay, thị trường Hoa Kỳ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu tôm từ VN do nhu cầu trong nước tăng. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK tôm của VN vào Hoa Kỳ đạt 364,8 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc DOC tăng thuế chống phá giá sẽ là một “đòn” giáng mạnh vào kim ngạch XK tôm vào Hoa Kỳ. Không chỉ Hoa Kỳ, XK tôm sang Australia cũng có dấu hiệu giảm, năm 2015, kim ngạch XK tôm của VN sang Australia giảm 25,6% và trong 7 tháng đầu năm 2016 lại giảm tiếp 16%.
“Ta về ta tắm ao ta…”
Những năm trước khi thị trường XK vẫn còn hanh thông thì thị trường trong nước dù nhu cầu khá cao nhưng các DN dường như không ngó ngàng tới. Nhưng gần đây, một số DN đã tìm lại thị trường nội địa đề bù vào phần thiếu hụt của XK.
Cty TNHH Hải Nam là một ví dụ, sau khi XK ổn định tại hơn 60 nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản… DN này bắt đầu tìm về thị trường nội địa nhằm tận dụng những cơ hội mà lâu nay còn chưa tập trung khai thác.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc -Tổng giám đốc Cty cho biết, doanh thu từ bán lẻ thủy sản trong nước chiếm khoảng 5% tổng doanh thu và mục tiêu trong 3 năm tới sẽ tăng lên 20%. “Chúng tôi đã tính đến việc tìm chuyên gia để tư vấn chiến lược phát triển, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa”- bà Sắc khẳng định.
Tương tự, đại diện Cty thủy sản sạch (Sóc Trăng) cho biết, thông qua việc phân phối tôm đông lạnh cho các siêu thị, nhà hàng… doanh thu thị trường nội địa của DN cũng tăng lên theo từng năm. Hiện nay, doanh thu mỗi năm ở thị trường nội địa trung bình vào khoảng 2 triệu USD, khoảng 150 tấn tôm tinh chế. Đây được xem là một con số không hề nhỏ ở thị trường nội địa mà nhiều DN thủy sản mơ ước.
Theo tính toán của các chuyên gia, thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân là một thị trường lớn mà lâu nay các DN thủy sản chưa tập trung khai thác. Theo tính toán của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), chỉ tính riêng việc sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trung bình 7% mỗi năm, giá trị tiêu thụ tăng xấp xỉ 14%, mức tiêu thụ thủy sản/người nhích dần đến con số 30 kg/người/năm cho thấy thị trường này vô cùng tiềm năng và thực tế là đang khiến các DN thủy sản phải chú ý.
Thiếu kênh phân phối hiệu quả
Theo các DN, hiện nay, phần lớn DN thủy sản tiêu thụ tại thị trường trong nước phải thông qua các siêu thị, nhưng hiện mức chiết khấu cao khiến cho nhiều DN, nhất là DN nhỏ không mặn mà bởi có khi mức chiết khấu chiếm tới 20% doanh thu của DN. Nhiều DN chấp nhận mức chiết khấu cao chỉ để hàng hóa có mặt trong siêu thị nhằm quảng bá thương hiệu, còn doanh thu chính vẫn phụ thuộc vào XK.
Mặt khác, cái khó của tiêu thụ tôm đông lạnh tại thị trường trong nước là thói quen sử dụng hàng tươi sống của người Việt. Đại diện Cty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, hiện thị phần nội địa chỉ chiếm không quá 1% doanh thu hằng năm. Mặc dù khâu chế biến XK và tiêu thụ nội địa đều trên một dây chuyền hiện đại như nhau nhưng DN vẫn khó khăn trong phân phối trong nước, nhất là tâm lý người tiêu dùng cho rằng sản phẩm nội địa là hàng XK lỗi, phải trả về.
Chính vì tiêu thụ trong nước có những khó khăn mà trước đây nhiều DN chưa mặn mà lắm, các DN chưa chú trọng vào mở các điểm bán hàng, mạnh ai lấy làm nên tiêu thụ tôm tại thị trường trong nước chưa đạt doanh thu cao.
Nhưng rõ ràng, việc một số DN có sản lượng tiêu thụ tôm trong nước đạt doanh thu cao như Cty thủy sản sạch (Sóc Trăng) là một ví dụ cho thấy thị trường trong nước là một hướng đi đúng đắn, khả thi giúp con tôm phát triển bền vững. Nên chăng các nhà quản lý và DN nên áp dụng mô hình giống như Thái Lan đang làm và khá thành công, đó là kết hợp giữa người nuôi trồng và các nhà bán lẻ, đồng thời tổ chức lại các hợp tác xã, cùng đầu tư mở chợ bán buôn tôm… Họ tính rằng, với dân số gần 70 triệu dân, tiêu thụ tôm nội địa tăng thêm 0,2 kg/người/năm thì thị trường đã có thể tiêu thụ thêm 12 ngàn tấn/năm. Cũng phép tính đó, VN có hơn 90 triệu dân thì tiêu thụ nội địa cũng có thể đạt con số 15 ngàn tấn/năm.
Rõ ràng, với nhu cầu tiêu thụ nội địa lớn, nếu các DN biết tính toán, xây dựng những kênh phân phối tốt thì thị trường trong nước sẽ là một thị trường vô cùng hấp dẫn cho con tôm Việt trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn Enternews