Trong đó, tại hội nghị thường niên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa mới được tổ chức gần đây (ngày 28.8) ở TPHCM, các chuyên gia đã nhìn nhận và đánh giá những nguyên nhân gây khó cho thị trường xuất khẩu cá tra sang Châu Âu (EU), Mỹ… Song song với đó, đường đi của tôm Việt Nam sang thị trường cao cấp thuộc các nước Nhật, Mỹ, Châu Âu cũng đầy sóng gió...
Trả lại danh tiếng cho cá tra
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp cần nhìn thẳng vào những vấn đề nổi cộm của ngành cá tra, trong đó các DN cần nhìn thẳng vào các vấn đề nội tại một cách nghiêm túc, không thể vì cạnh tranh nhau và mỗi người ngoảnh đi một phía hoặc “mạnh ai nấy làm”.
Bởi, thực tế cho thấy, sau thời gian phát triển nóng liên tục, cá tra từ chỗ có thiện cảm trở thành tiếng xấu, liên tục gặp rào cản trên các thị trường cao cấp khiến cả ngành phải “căng mình đối phó với các chương trình thanh tra cá da trơn” của Mỹ như lời Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản - Chủ tịch danh dự của VASEP, nguyên nhân để cá tra gặp thị phi chính là việc các DN cạnh tranh giá rẻ, giảm giá đến mức không thể giảm được nữa thì ăn gian chất lượng, gây tiếng xấu cho toàn ngành.
Vì vậy, để xây dựng thương hiệu cá tra, cần “gột” hết tai tiếng, tập trung cho phân khúc cao cấp, khi DN làm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được mang thương hiệu chung và tập trung quảng bá, dần trả lại thương hiệu ban đầu đầy ấn tượng và thiện cảm cho cá tra Việt Nam. Muốn như vậy, các DN lớn trong ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản cần “ngồi lại” với nhau cùng nhìn nhận lại vấn đề và tìm phương hướng giải quyết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, các DN xuất khẩu cá tra vẫn còn khá chủ quan khi hiện tại việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, về mặt lâu dài trong chiến lược phát triển, các DN cần thận trọng cân nhắc.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NNPTNT, căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường Mỹ, chúng ta cũng phải rà soát, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn sao cho ngày càng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường quốc gia này. Để làm được như vậy, cần một chiến dịch dài hơi để cá tra Việt Nam tạo được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường Mỹ và EU.
Theo VASEP, để tạo điều kiện cho các DN, phía Việt Nam đã đề nghị Mỹ dời thời gian áp dụng điều kiện tương đương đến ngày 1.8.2018 để DN Việt có thêm thời gian hoàn thiện nhưng không được chấp nhận, Mỹ chỉ chấp nhận lùi đến ngày 1.3.2018. Do vậy, dự báo nửa cuối năm 2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 10% -15%; EU giảm 5%.
Tuy nhiên, dự báo tổng xuất khẩu cá tra năm 2017 có khả năng đạt 1,78 tỉ USD, tăng trưởng 4% nhờ vào các thị trường Trung Quốc và Brazil (tăng 50%-60%), Mexico (tăng 26%). Vì vậy, trong quá trình xây dựng thương hiệu để thị trường Mỹ, EU, các DN vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Brazil…
Rào cản kỹ thuật ngày càng lớn
Theo Bộ NNPTNT, từ quý II/2017, việc xuất khẩu tôm dần phục hồi và kim ngạch xuất khẩu quý II đã tăng trên 30% so với cùng kỳ, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1,35 tỉ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân một phần là do Úc từng bước nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm.
Bên cạnh đó, nguồn cung tôm của một số nước xuất khẩu khác giảm đã tạo cơ hội cho con tôm Việt Nam. Việc Úc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm là cơ hội để con tôm Việt Nam dần dành lại thị phần tại quốc gia này.
Tuy nhiên, tôm xuất khẩu cũng đang gặp khó bởi con tôm đang bị nhìn nhận “đầy cảnh giác”. Theo ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch Vasep, tại thị trường Nhật, nhiều khách hàng nói không muốn mua tôm Việt Nam nữa vì lẫn tạp chất, tăm tre. Họ định chuyển sang mua tôm của Indonesia, Philippines dù giá cao hơn Việt Nam khoảng 2,5-3 USD/kg.
Cũng theo ông Lê Văn Quang, do lẫn tạp chất, Nhật yêu cầu kiểm tra 100% lô tôm khiến giá xuất khẩu đội lên, tôm Việt Nam cạnh tranh kém hơn so với các đối thủ. Chính vì vậy, hơn ai hết, các DN phải tự nhận thấy đã qua rồi thời kỳ chỉ tập trung xuất khẩu vào các thị trường “trung bình”, mạnh về số lượng và ít chăm chút cho chất lượng.
Bởi, trong tương lai, thị trường lớn nhất của nông sản cũng sẽ xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ ngành nông nghiệp trong nước, đồng thời nâng cao vấn đề an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng xuất khẩu từ các quốc gia khác.
Nguồn Laodong.com.vn