Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa làm nền móng vững chắc để sản xuất hàng FOB, ODM, OBM phục vụ cho xuất khẩu là chiến lược phát triển của Vinatex nói chung và của Dugarco nói riêng. Tính đến thời điểm này, Dugarco đã xây dựng được các nhãn hàng riêng phục vụ thị trường nội địa quen thuộc như Paul Downer, DGC, Dugarco Colection, Forever Young, S.Pearl, HeraDG… là những thương hiệu đã đánh dấu bước thành công của chuỗi giá trị gia tăng từ thiết kế, cung ứng nguyên phụ liệu cũng như các giải pháp đồng bộ về công nghệ, kỹ thuật, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 8/9, Trung tâm thời trang thứ 3 của Dugarco được khai trương tại địa chỉ số 113 phố Sơn Tây (Hà Nội) đã đánh dấu bước ngoặt trong việc hướng sản phẩm may mặc mang thương hiệu Đức Giang đến thị trường trong nước. Việc khai trương trung tâm thương mại này nhằm thực hiện chủ trương xây dựng mô hình tập trung khép kín của TCT, để tạo ra những sản phẩm thời trang chất lượng cao, cạnh tranh và có sự khác biệt trên thị trường.
Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của tập thế CBCNV Tổng công ty, đặc biệt là người đứng đầu đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đưa ra những hướng đi mới, quyết sách đúng để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Vệ Dũng – Chủ tịch HĐQT TCT Đức Giang, để hiểu rõ hơn những gì mà đơn vị này đang làm với quyết tâm đưa thương hiệu thời trang Đức Giang gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang
PV: Thưa ông, trước đây, thị trường xuất khẩu của TCT đang giữ vai trò chủ lực, nhưng gần đây Đức Giang đã tập trung chủ yếu cho thị trường nội địa, vậy kết quả của sự thay đổi này như thế nào và việc đầu tư vào thị trường trong nước có khó khăn gì so với thị trường xuất khẩu?
Ông Hoàng Vệ Dũng: Đối với thị trường nội địa, năm nay TCT Đức Giang đã đạt khoảng hơn 15%, phấn đấu doanh thu từ thị trường nội địa dự kiến đạt 400 tỉ đồng trong năm 2016. Việc đẩy mạnh làm hàng nội địa chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi nếu làm hàng xuất khẩu thì chủ yếu là làm gia công, hay như làm hàng FOB tức là mua nguyên liệu về sản xuất sau đó bán thành phẩm, nhưng thực chất là đơn vị hợp tác cũng lo cho mình tất cả nguyên phụ liệu, trong khi đó để sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa sẽ làm theo quy trình khép kín, từ khâu đầu tới khâu cuối, tức là TCT sẽ phải chủ động từ nguồn nguyên liệu cho tới việc sản xuất ra một sản phẩm cụ thể. Hiện nay, ngành sản xuất hàng may mặc có rất nhiều công ty, tuy nhiên không phải công ty may nào cũng phát triển được thị trường nội địa, đối với Vinatex hay với những công ty đi đầu như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, May 10, Đức Giang… đó là những đơn vị phải thực sự có đủ sức, đủ sự kiên trì và xây dựng cho mình một chiến lược thì mới làm được, nếu không thì không thể làm nổi.
PV: Hiện nay, hàng may mặc thời trang của May Đức Giang mới đang chỉ hướng tới khách hàng tại thị trường Hà Nội và nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng Thủ đô, vậy sắp tới TCT có kế hoạch triển khai như thế nào để mở rộng thị trường ra khắp các tỉnh thành phố trong cả nước?
Ông Hoàng Vệ Dũng: Theo tôi, mở rộng thị trường là vấn đề phụ thuộc theo quy luật tự nhiên, khi đã tạo ra thương hiệu thì ắt sẽ phải mở rộng và phát triển thương hiệu, nhất là khi sản phẩm của mình đã được người tiêu dùng đánh giá cao thì việc phát triển thị trường là điều tất yếu. Đối với Đức Giang thì sự đầu tư để mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước là điều vô cùng quan trọng, vừa qua chúng tôi cũng đã mở rộng thị trường ở khắp các quận, huyện tại Hà Nội, tới đây TCT sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối ra các tỉnh thành khác như Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP HCM…
PV: Trong lĩnh vực thời trang để làm nên thành công của một thương hiệu thì khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng nhất, vậy đội ngũ thiết kế của TCT được đào tạo như thế nào?
Nơi sản xuất ra các sản phẩm được đặt ngay tại trung tâm thời trang theo quy trình khép kín
Ông Hoàng Vệ Dũng: Đội ngũ thiết kế của TCT là những người trẻ, việc đào tạo chủ yếu qua công việc thực tế, các nhà thiết kế phải tự nghiên cứu, xây dựng từ khâu mẫu ý tưởng tới mẫu thực tế, đồng thời cũng phải đi tham khảo mẫu mã thị trường. Ngoài ra, TCT cũng đã đầu tư vào khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới. Hiện nay Trung tâm Thời trang tại phố Sơn Tây mặc dù mới là trung tâm thứ 3 của Đức Giang, nhưng hiện tại nếu như muốn có một tuần duyệt mẫu một lần thì vẫn còn là điều khó khăn, vậy nên trong một tuần mà muốn duyệt vài chục mẫu thì cũng không phải là việc đơn giản, từ việc may mẫu, duyệt mẫu, sau đó đưa mẫu vào sản xuất hàng loạt tại các chuyền chỉ may thời trang không sẽ mất nhiều thời gian, trong khi thị trường lại luôn luôn cần hàng mới, hợp xu thế, cho nên đây hiện đang là vấn đề nan giải.
Chính vì thế để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ khâu sản xuất tới việc đưa ra các sản phẩm thì năm 2015 Đức Giang đã xây dựng được chuyền may thời trang riêng và qua một năm đã thành xưởng may thời trang, việc xây dựng chuyền may thời trang này cũng một phần phụ thuộc theo nhu cầu thị trường.
Một trong những sản phẩm mới của May Đức Giang
PV: Ngay từ đầu năm, Đức Giang đã mở nhiều showroom tại Hà Nội, thế nhưng Trung tâm thời trang tại 139 Sơn Tây là Trung tâm Thiết kế thời trang đầu tiên, vậy theo ông điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc Đức Giang định vị được thương hiệu, hình ảnh của mình đối với thị trường thời trang may mặc?
Ông Hoàng Vệ Dũng: Hiện Đức Giang có 3 trung tâm thời trang tại các địa chỉ ở Phố Huế, một trung tâm tại chính trụ sở của Đức Giang và mới đây nhất là tại Kim Mã. Trung tâm thời trang thứ 3 tại Kim Mã được Đức Giang đầu tư bài bản và tương đối hoàn hảo, đây là nơi các nhà thiết kế, nhà sản xuất có điều kiện để xây dựng mẫu mã làm việc. Hệ thống nhận diện thương hiệu cũng được đầu tư bài bản, thống nhất trên cả chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Đức Giang. Thế nhưng cả 3 trung tâm thời trang đó vẫn chưa đủ để sản xuất các sản phẩm cung cấp cho thị trường, mà việc định vị thị trường như thế nào đều cần phải có nguyên tắc, thiết kế hay bán hàng đều phải theo thị trường, nếu không theo thị trường thì không thể tiêu thụ được. Tuy nhiên, việc định vị hình ảnh của mình và thương hiệu có thành công hay không thì không chỉ phụ thuộc vào người đứng đầu, mà còn do người phụ trách, người thiết kế phải luôn lắng nghe, nghiên cứu thị trường, mỗi nhân viên bán hàng là một kênh thông tin để thu nhận phản hồi từ người tiêu dùng, từ đó bên thiết kế sẽ điều chỉnh mẫu mã đẹp hơn phù hợp với thị hiếu khách hàng.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Hoa Liên