Tính chung 2 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt tới gần 110 tỷ USD, tương đương tăng 14% so với cùng kỳ năm trước: xuất khẩu tăng gần 12%; nhập khẩu tăng gần 17%; cán cân thương mại nhập siêu 581 triệu USD.
Số liệu do Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 16/3 cho thấy, 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá hơn 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 72%. Các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện nhập siêu lớn nhất – tương đương 6 tỷ USD, tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, xăng dầu, kim loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày... phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Về nhập khẩu, nhóm tư liệu sản xuất chiếm tới 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, kế đến là nhóm hàng tiêu dùng. Dù siết chặt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn duy trì thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lần lượt 18,3 tỷ USD và 10,5 tỷ USD chỉ trong 2 tháng. Đây là dấu hiệu phục hồi tăng trưởng.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu Kinh tế Economica Việt Nam khuyến cáo: “Nếu như giá xăng, dầu gia tăng sẽ tác động trực tiếp tới 1 số chỉ số kinh tế như: chỉ số giá triêu dùng, lạm phát hoặc chi phí vận chuyển đối với hàng hoá Việt Nam sang thị trường toàn cầu, có thể với 1 số mặt hàng quan trọng đối với quá trình sản xuất linh kiện điện tử có thể tăng giá hoặc thiếu hụt nguồn cung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và của các doanh nghiệp Việt Nam vốn là một trong những mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng này”.
Nhiều chuyên gia kinh tế độc lập cùng đại diện cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp với niềm tin rằng, “bên cạnh những cách thức đang triển khai thực hiện, với nỗ lực của toàn hệ thống, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, những rủi ro từ tình hình kinh tế thế giới sẽ được giảm thiểu, tạo nền tảng phục hồi, tăng trưởng tốt, trong giai đoạn tới”.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến Thông tin thống kê, dịch Covid-19 đã phần nào thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn về cả hạ tầng lẫn viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Với tỷ lệ dân số sử dụng Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.
“Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Như vậy, thương mại số/kinh tế số sẽ là động lực phục hồi kinh tế và đưa nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất”, bà Đỗ Thị Ngọc nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần phối hợp hiệu quả với cơ quan nhà nước để tiếp tục thực hiện nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128 và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại để phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh; cần cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí để không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đề xuất các mô hình sản xuất kinh doanh mới, hiệu quả phù hợp với xu hướng mở cửa, khôi phục lại nền kinh tế, bởi vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ nhất những gì cần thiết và hiệu quả cho sự phát triển của doanh nghiệp; xem xét lại lĩnh vực ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị toàn nền kinh tế, thậm chí trên bình diện quốc tế./.
Theo Vov.vn