Từ những ngày đầu gian khó…
Theo tài liệu của TP. Hồ Chí Minh qua các thời kỳ ghi chép lại, những năm đầu sau giải phóng, Sài Gòn xưa đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn. Trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn sống từ sau giải phóng đến giờ vẫn còn in đậm tình hình khó khăn ngày đó khi kinh tế sa sút, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất - dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục và người dân Sài Gòn phải ăn độn bo bo, khoai, sắn…
Những năm sau đó, Đảng bộ thành phố đã quán triệt, vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường. Cụ thể là xóa bao cấp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, cải tạo công, thương nghiệp…
Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, thành phố đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và có những bứt phá thần tốc. Từ mức tăng trưởng 2,18%/ năm của giai đoạn 1976 - 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 1980 - 1985 đạt 8,17%/năm; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.
Đặc biệt, theo giới chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2008-2010, trong khi Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu thì lúc đó TP. Hồ Chí Minh chính là “đầu tàu” kéo cả nước từng bước vượt qua khó khăn, duy trì lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và từ năm 2011 đến nay, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ từ 9 - 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Ðến nay, thành phố đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.
Nhận định về sự bứt phá thần tốc, sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh kể từ sau giải phóng tới nay, Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu - cho biết, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã “dám nghĩ, dám làm”, dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố bước vào thời kỳ lịch sử mới.
“So với những ngày đầu sau giải phóng, phải nói bây giờ diện mạo TP. Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, nhiều khu đô thị mới được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, quy mô không thua kém gì các đô thị lớn trên thế giới như khu Phú Mỹ Hưng, khu Thủ Thiêm… khu vực trung tâm thành phố cũng có những tòa nhà chọc trời như Bitexco, Lanmart 81… rực rỡ ánh sáng lấp lánh sông Sài Gòn khi thành phố lên đèn. Bên cạnh đó, thành phố cũng là trung tâm tài chính lớn của cả nước với rất nhiều tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư hoạt động; thành phố còn là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với con số ấn tượng trong suốt nhiều năm qua. Đây là thành quả ấn tượng của một chính quyền năng động, sáng tạo” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Với những thành quả to lớn này, ngày 24/11/2017, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đây được coi là quyết sách đột phá để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn. Tới nay, đã hơn 2 năm kể từ khi phát triển theo cơ chế đặc thù, kinh tế thành phố có những đột phá mới.
Sôi động hoạt động xuất nhập khẩu
… Đến một thành phố năng động
Báo cáo với Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã cho biết: Năm 2019, tổng sản phẩm của thành phố đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%, tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 35% so với GRDP, thu hút FDI đạt 8,3 tỷ USD. Những con số này đã cho thấy Nghị quyết 54 từng bước đi vào thực tiễn, giúp lãnh đạo địa phương có những quyết sách tự chủ, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Những tháng đầu năm 2020, tình hình KTXH thành phố diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu thô giảm mạnh cùng với biến đổi khí hậu đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu sản xuất bị gián đoạn. Trong nước, ngành du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh, ngành chăn nuôi chưa kịp hồi phục sau bệnh dịch tả lợn châu Phi lại đối phó với nguy cơ nhiễm dịch cúm khác.
Àûáng trûúác nhûäng khó khăn, thách thức này, Thành ủy và UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phải bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ. Lãnh đạo thành phố cũng kịp thời đề ra những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), kiến nghị Chính phủ miễn, giảm thuế, nhanh chóng đưa các gói tín dụng hỗ trợ từ Chính phủ tới cộng đồng DN. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền thành phố và sự chung tay đồng lòng của cộng đồng DN, nhân dân, GRDP quý I/2020 ước đạt 335.682 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giai đoạn tới, để thành phố tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo Báo Công Thương