Đến nay TP Hồ Chí Minh đã có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động thu hút 1.371 dự án đầu tư với số vồn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290 ngàn lao động. Sản phẩm công nghiệp trong các KCX – KCN chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ vậy, quá trình xây dựng các KCX – KCN đã gắn liền với định hướng phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố. Sự ra đời của các KCX – KCN cũng giúp cho TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tồn tại trong các khu dân cư vào tập trung ở các KCN, giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nội thành…
Dù vậy, theo Trưởng ban Hepza Nguyễn Hoàng Năng, có một số thách thức đặt ra cho các KCX-KCN trong quá trình phát triển hiện nay. Đó là đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của Thành phố, tuy nhiên chưa có kết quả đột phá. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng; các KCN cũng chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng.
Theo Trưởng ban Hepza Nguyễn Hoàng Năng, nhiệm vụ trong tâm của các KCX – KCN từ nay đến năm 2025 là chuyển dần các KCX- KCN hiện hữu thành KCN xanh, sạch; các KCN theo hướng phát triển các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.
Nguồn Hanoimoi.com.vn