Theo đó, sản xuất hàng điện tử tăng 17,29%, là ngành có chỉ số sản xuất tăng ấn tượng nhất do có thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp (DN) thường xuyên ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Điều này cho thấy kết quả của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố đã phát huy được hiệu quả nhất định, nổi bật là những sản phẩm điện tử sử dụng chip thương hiệu Việt (bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe công-ten-nơ…) và một số sản phẩm đầu cuối đã được đưa vào sản xuất đại trà được các công ty khu Công nghệ cao (CNC) của thành phố thực hiện. Năm 2018, khu CNC thành phố xác định chỉ tiêu thực hiện cho kế hoạch năm, gồm: Giá trị thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 600 triệu USD; Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 14 tỷ USD; tiếp nhận ít nhất 10 dự án, DN vào chương trình ươm tạo chung, thương mại hóa bốn sản phẩm CNC…
UBND thành phố đã giao các đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Ban Quản lý (BQL) khu CNC thực hiện dự án Công viên Khoa học và Công nghệ và dự án đầu tư khu cây xanh, mặt nước khu CNC; Sở Xây hướng dẫn BQL khu CNC thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội rộng 3,05 ha tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9; Sở Nội vụ hướng dẫn BQL khu CNC thành lập Văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư khu CNC tại Thung lũng Silicon (Mỹ). Nơi đây còn có một số ưu đãi về tiền thuê đất và thuê nhà xưởng xây sẵn, như chi phí thuê đất được ưu đãi so với mặt bằng chung, dao động từ 1,0 đến 1,2 USD/m2/năm. Các dự án nghiên cứu triển khai uy tín được hưởng giá thuê đất bằng 0. Ngoài ra, DN có thể thuê nhà xưởng xây sẵn chất lượng cao, đầy đủ hạ tầng thiết yếu, có diện tích từ 1.000 đến 6.000 m2 với giá thuê từ 3,2 đến 5,5 USD/m2/tháng từ các nhà đầu tư phát triển hạ tầng, phù hợp với nhu cầu của các DN công nghiệp hỗ trợ vừa và nhỏ.
Các ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống có mức tăng đều và ổn định ở mức 7,19%; ngành hóa dược tăng 2,82%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2017; ngành cơ khí tăng 8,35%, là ngành có tốc độ tăng ấn tượng xếp sau ngành sản xuất hàng điện tử, nhờ vào nhu cầu thị trường ngày càng tăng, chính sách hỗ trợ DN trong nước ngày càng thiết thực, hiệu quả đã thúc đẩy DN mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Phương Đông cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và công nghiệp ô-tô nói riêng. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô-tô, phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước. Hiện nay, một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô-tô. Đã có những DN đầu tư công nghệ tiên tiến, tạo ra một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước.
Nhằm góp phần tạo lực đẩy cho các ngành công nghiệp trọng điểm, TP Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo nguồn vốn, mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực. Thành phố cũng hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các DN công nghiệp hỗ trợ, thông qua năm chương trình, bao gồm: Chương trình đào tạo DN phát triển bền vững (SCORE); Chương trình đào tạo DN phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Chương trình tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam của Samsung; Chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt Nam; Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp - Bộ Công thương phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế/nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức.
Đánh giá của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Samsung cho thấy, sau thời gian hỗ trợ, nhìn chung các DN được tư vấn đã tích cực, mạnh dạn thực hiện hàng trăm cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương pháp làm việc nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây là cơ sở để các DN Việt Nam hợp tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (tăng 8,0 đến 8,5%), Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các doanh nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu. Đồng thời, hỗ trợ DN phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung/cầu sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ thông qua các hoạt động như: vận hành Cổng thông tin cơ sở dữ liệu công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của thành phố, tạo kênh kết nối và quảng bá cho DN, kết nối với các DN FDI. Hiện, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố chiếm khoảng 45% giá trị sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đóng góp khoảng 26% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. |
Theo báo Nhân dân