PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình nhận định, vùng kinh tế trọng điểm phía nam chưa phát huy hết tiềm năng phát triển do thể chế liên kết vùng hiện còn yếu, chủ yếu mang tính định hướng. Bộ máy vận hành còn thiếu quyền, cơ chế vận hành chưa hiệu quả. Việc hình thành kinh tế vùng còn mang tính hành chính, chưa có tính khoa học. Ngoài ra, áp lực phát triển kinh tế của địa phương, giao thông chưa đồng bộ, cơ chế tài chính của vùng chưa định hình. Vùng kinh tế trọng điểm phía nam luôn khát vốn.
Từ đó, PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất: “Thành phố không nên tập trung quá nhiều chức năng mà nên chia sẻ cho các địa phương lân cận, nên tập trung tài chính công nghệ cao, chuyển dần đi những ngành thâm dụng lao động, phát triển mạnh đô thị vệ tinh, trong đó, phát triển giao thông, tiêu thụ ngành hàng, quy hoạch phát triển kinh tế địa phương gắn với vùng”.
Đối với phát triển công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, PGS, TS Võ Văn Sen cho rằng, quỹ phát triển khoa học công nghệ chỉ tiêu là 20%, hiện tồn đọng đến 1.000 tỷ đồng do quy chế không giải ngân được. Trong khi đó, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa có sự sáng tạo và thử nghiệm, sự gắn kết của các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp còn rời rạc.
“Nên hình thành văn hóa khởi nghiệp, đô thị thông minh, nhà nước giúp đỡ cho các nhà khoa học, khởi nghiệp, khi thất bại thì người ta trả dần 5%, như Singapore chỉ thất bại 1,6%, còn bao nhiêu thành công hết”, ông Sen kiến nghị.
Hiện, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trong quá trình thúc đẩy cơ chế kinh tế, thành phố đã đầu tư bốn ngành chủ lực: Cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa nhựa cao su và điện tử công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố, Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, cho đến thời điểm này, vẫn còn nhiều lực cản, chưa có những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu riêng cho thành phố. Bốn ngành này, năm 2017 tăng 12,7%, cao hơn 4,8% so với mức tăng chung của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có điện tử, công nghệ thông tin phát triển mạnh tăng hơn 39% trong khi các ngành công nghiệp còn lại chỉ đạt ở mức 3-3,5%, thấp hơn cả mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Mặc dù ngành công nghệ thông tin tăng trưởng nóng như vậy nhưng xét về quy mô, tỷ trọng chỉ chiếm 4,4%, ba ngành còn lại chiếm hơn 55%. Năng suất lao động của thành phố gấp 2,7 lần cả nước, riêng khu công nghệ cao gấp 70 lần.
Trong số 10.200 doanh nghiệp hiện nay, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, thiếu kinh nghiệm quản trị kinh doanh, chiến lược chưa bài bản, kinh doanh, xây dựng thương hiệu đến khuyến mãi nên khả năng cạnh tranh thấp. Do đó, rất cần hỗ trợ vốn, chính sách, đất đai, tăng cường xúc tiến đầu tư, loại bỏ chi phí không chính thức… |
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân với các nhà khoa học.
Ngoài ra, ông Phong cũng nhìn nhận, thành phố hiện thiếu hệ thống giao thông, đường vành đai, cao tốc, giao thông liên vùng, diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông mới chỉ đạt 8,5%, trong khi chỉ tiêu 2020 đạt 172 km2, đó cũng là cản ngại rất lớn cho sự phát triển của thành phố. Hiện, chỉ có 1% doanh nghiệp lớn có vốn trên 100 tỷ đồng, còn lại 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nông nghiệp chưa đóng góp đến 1% tổng sản phẩm nội địa GRDP nhưng chiếm đến 55% diện tích đất.
“Hiện nay, thành phố đang tính toán lại kế hoạch sử dụng đất sao cho hợp lý và mở rộng các khu công nghiệp, hiện thành phố có 8.000 ha đất dành cho khu công nghiệp. Sắp tới sẽ mở rộng nâng lên hơn 1.000 ha nữa. Đặc biệt dành cho khu công nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chúng tôi cho rằng chất lượng sản phẩm dịch vụ là yếu tố cốt lõi tạo nên sức sống thương hiệu doanh nghiệp hiện nay” ông Phong nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận, hiện nguồn nhân lực các nhà khoa học tại chỗ của TP Hồ Chí Minh rất lớn nhưng còn lãng phí, các doanh nghiệp ít đầu tư cho khoa học. Ông Nhân cho biết, vừa rồi TP Hồ Chí Minh có chuyến đi học hỏi kinh nghiệm từ Israel – một quốc gia khởi nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp và các sáng chế theo đầu người cao nhất thế giới. Qua tìm hiểu thì mới biết, hóa ra, người Israel, họ coi cái gốc phát triển quan trọng nhất là văn hóa chứ không phải là khoa học. Con trẻ từ nhỏ đến trường đã học cách tranh luận, phản biện với thầy cô; người lớn đi làm tranh luận với thủ trưởng. Họ hình thành văn hóa phản biện, không bao giờ coi một việc là đúng mãi.
Văn hóa dân tộc đó là hỏi và chất vấn, thì khi lớn lên làm sáng tạo rất dễ. “Tôi thấy cái đó mình học từng bước. Văn hóa tứ hai mà họ hình thành là không sợ thất bại và coi thất bại là tiền đề để thành công. Và khi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đủ tiêu chuẩn nhận tiền nhà nước, thì khởi nghiệp thất bại không đòi tiền lại, chỉ những doanh nghiệp thành công thì lấy 3-5% để nuôi doanh nghiệp khác. Do đó doanh nghiệp họ không sợ thất bại. Do đó, chúng ta cần có cuộc cách mạng trong tư duy để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau, doanh nghiệp ta hiện "ung dung" dùng lao động, trong khi thế giới người ta dùng công nghệ”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, ở đất nước Israel, trong mỗi bộ đều có hai chức: chuyên gia trưởng khoa học chịu trách nhiệm phát triển nhân lực cho ngành đó. Trong cục sáng tạo có phòng hiện đại hóa chuyên giúp các doanh nghiệp cũ, lạc hậu đứng vững bên cạnh giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện TP Hồ Chí Minh có không gian sáng tạo, nguồn lực sáng tạo nhưng chưa phát huy tốt.
Theo báo Nhân dân