Chủ Nhật, 24/11/2024 06:18:49 GMT+7
Lượt xem: 42426

Tin đăng lúc 04-11-2018

TP. Hồ Chí Minh: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với xu thế máy móc tự động hóa thay thế một phần con người, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp. Do đó, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có những bước chuẩn bị để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay.
TP. Hồ Chí Minh: Chú trọng phát triển nguồn nhân lực 4.0
Phòng thực hành của Trung tâm Ðào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (VJTC) thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh đang xem việc tham gia CMCN 4.0 như một lựa chọn mặc nhiên để không bị bỏ lại trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đi liền với những cơ hội là rất nhiều thách thức, nhất là việc đòi hỏi các yêu cầu theo chiều hướng gia tăng chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, những đáp ứng từ hệ thống giáo dục và đào tạo sẽ quyết định chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố. Theo Phòng tư vấn - Giới thiệu việc làm thuộc Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài SHTP có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao 4.0, nhưng thành phố chưa đáp ứng được. Chẳng hạn, như các vị trí quản lý chất lượng, kỹ sư phát triển phần mềm, rô-bốt tự động hóa… đang thiếu trầm trọng nhưng ít người có thể đáp ứng được.

 

Trong nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn hiện nay, thành phố đã giao cho SHTP đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0. Dựa trên mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, thông qua việc triển khai dự án ODA do Chính phủ Nhật Bản và tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ, mới đây, Trung tâm đào tạo SHTP đã ra mắt Trung tâm Ðào tạo và Chuyển giao Công nghệ Việt - Nhật (VJTC). TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP nhận định: Ðây là nơi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trang bị đầy đủ kiến thức, chuyên môn, kỹ năng thực hành tốt cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong kỷ nguyên 4.0.

 

Theo thỏa thuận giữa hai bên, VJTC sẽ cung cấp những chương trình đào tạo chất lượng cao với mục tiêu "xóa dần khoảng cách" giữa đào tạo đại học với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. VJTC cũng sẽ tư vấn cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong quá trình tuyển dụng nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và năng suất lao động thông qua việc tổ chức, đánh giá kỹ năng nghề của người lao động theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

 

TS Hoàng Thế Bân, đồng sáng lập VJTC cho rằng: Các đối tác Nhật Bản có trách nhiệm chính trong việc xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản. Ðồng thời tìm kiếm, cung cấp các giảng viên có chuyên môn và trình độ cao. Ðối tượng VJTC hướng đến đầu tiên là các kỹ sư đang làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại SHTP và trên địa bàn thành phố. VJTC cũng kết hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp chuyên môn, trình độ của các kỹ sư, cũng như trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc mở rộng và phát triển chiến lược kinh doanh của các công ty trong kỷ nguyên 4.0.

 

Khóa đào tạo đầu tiên của VJTC dành cho các kỹ sư của tập đoàn Nidec, một trong những Tập đoàn nghiên cứu chế tạo cơ khí chính xác và vi động cơ của Nhật Bản đang đặt nhà máy tại SHTP. VJTC cũng đã ký kết hợp tác với Mitsubishi Electric Việt Nam triển khai xây dựng và đưa vào hai phòng thực hành. Trong đó, mô hình e-F@ctory của Mitsubishi Việt Nam được hình thành dựa trên khái niệm nhà máy thông minh kết hợp giữa tự động hóa và công nghệ thông tin, là cầu nối của công nghệ sản xuất trình độ cao. Ngoài phục vụ cho đào tạo, phòng thực hành còn là nơi trưng bày những thiết bị tự động hóa tiên tiến mà các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản nghiên cứu, sản xuất đã được đưa vào sử dụng như: rô-bốt tự động hóa hỗ trợ sản xuất, các thiết bị nhận diện và phân loại sản phẩm, thiết bị và ứng dụng hỗ trợ quản lý dây chuyền sản xuất….

 

Ông I-du-mi Mát-xu-mô-tô, Tổng Giám đốc Mitsubishi Electric Việt Nam cho biết: Tự động công nghiệp sẽ trở thành một lĩnh vực trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Ðây là chìa khóa có thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp kết nối trong chế tạo sản xuất và tối ưu hóa sản xuất, nhất là trong cuộc CMCN 4.0. Thông qua mô hình e-F@ctory, là mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ với các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, từ đó xây dựng mô hình mới và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao 4.0.

 

Để tăng lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững và chủ động hội nhập quốc tế, thành phố luôn xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực 4.0 là một trong những yếu tố quyết định. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Trong đó, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tám dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện có, gồm: hai dự án đầu tư cho trường nghề chất lượng cao và sáu dự án đầu tư cho các trường đào tạo nghề trọng điểm quốc gia và khu vực.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang