Hàng nghìn khách hàng được vay vốn
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, tính đến cuối tháng 5/2017, tại thành phố đã có gần 4.200 khách hàng được vay vốn với tổng số tiền đạt gần 124.330 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân theo gói tín dụng 74.399 tỷ đồng (3.599 khách hàng); giải ngân theo chương trình kết nối chuyên đề tại các quận, huyện 14.928 tỷ đồng (389 khách hàng). Dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên hiện đạt 148.692 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất đạt 94.088 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - kể từ khi tham gia Chương trình kết nối NH- DN, đến nay, doanh số cho vay của ngân hàng thuộc chương trình này đạt 310.842 tỷ đồng với gần 2.500 khách hàng được vay. 5 tháng đầu năm, 21/21 chi nhánh VietinBank đã đăng ký tham gia chương trình với tổng doanh số giải ngân đạt 49.272 tỷ đồng, đứng đầu trong các ngân hàng thương mại tham gia trên địa bàn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Dũng cũng thông tin: VietinBank đã đăng ký tham gia Chương trình kết nối NH-DN TP. Hồ Chí Minh năm 2017 là 90.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các chi nhánh trên địa bàn, VietinBank cam kết tham gia tối thiểu 120.000 tỷ đồng trong năm nay.
Tiếp tục triển khai
Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện gói tín dụng hỗ trợ do các ngân hàng thương mại trên địa bàn đưa ra; đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của DN. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ tổ chức kết nối, ký kết theo nhóm ngành sản xuất, kinh doanh như: Công nghiệp hỗ trợ, lương thực, thực phẩm… hay cho DN trong khu công nghiệp – khu chế xuất vay vốn. Dự kiến, tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng với các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
Ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - đề xuất giải pháp để thực hiện kết nối tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt với nhóm DN nhỏ và vừa (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu DN tại thành phố). Theo đó, các ngân hàng thương mại cần cải tiến thủ tục, giảm chi phí để DN dễ dàng tiếp cận vốn, không để còn khái niệm “xin – cho” trong mối quan hệ giữa NH – DN bởi ngân hàng cũng là DN, nếu không có khách hàng vay vốn, ngân hàng cũng không tồn tại được. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phước Thanh đề nghị DN nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tổ chức sản xuất phù hợp… Đặc biệt, đối với DN nhỏ và vừa, cần minh bạch thông tin kế toán để tạo niềm tin cho NH.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 5 năm thực hiện, chương trình đã được triển khai tại 24 quận, huyện với các thành phần và lĩnh vực kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn và lãi suất. |
Nguồn Báo Công Thương