Chủ Nhật, 24/11/2024 03:22:47 GMT+7
Lượt xem: 1071

Tin đăng lúc 02-12-2021

TP. Hồ Chí Minh kiên định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại

Việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần bảo đảm khoa học thực tiễn. Từ đó, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế của cả nước, trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại của khu vực Đông Nam Á vào năm 2050.
TP. Hồ Chí Minh kiên định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại
Các đại biểu tại hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến các nội dung trọng tâm về phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội

Thông tin được Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu như vậy, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra chiều ngày 1/12.

 

Kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng

 

Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thành phố (TP) thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11, triển khai chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị…


Song khi phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh và bùng phát mạnh, TP. Hồ Chí Minh đã phải áp dụng giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, để thực hiện các biện pháp y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân. Mặc dù cơ bản kiểm soát dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhưng TP đã phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Trong đó, các mặt của đời sống - kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

 

Trong quý 1/ 2021, tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh phát triển khá đồng đều, ổn định. Sau 6 tháng đầu năm, tình hình này bắt đầu chững lại và sụt giảm nghiêm trọng vào những tháng cuối năm 2021. Theo dự toán, năm 2021, TP dự kiến hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, 2/29 chỉ tiêu còn lại đến cuối năm mới có thể đánh giá.

 

Đặc biệt, trong khoảng thời gian 4 tháng thực hiện giãn cách triệt để, tốc độ tăng trưởng của TP giảm sâu, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Qua đó, kéo theo các chỉ tiêu kinh tế của TP trong năm giảm mạnh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 10,04%; khu dịch vụ giảm 3,53% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm đến 15,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 5,5%.

 

Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh vẫn có một số điểm sáng như kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9%... Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 362 nghìn tỷ đồng, đạt 99,22%. Hiện TP đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để có thể đạt 100% mục tiêu đề ra.

 

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn đang diễn biến phức tạp, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đại biểu tại hội nghị cần phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình, những kinh nghiệm mang tính thực tiễn để vận dụng vào quá trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.


Đặc biệt, cần cho ý kiến về các nhóm giải pháp với những nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022. Xác định chủ đề năm 2022 của TP. Hồ Chí Minh theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư”.

 

Phục hồi phát triển kinh tế cần có giải pháp, cơ chế mới

 

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với mức độ thành công việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Mặc dù TP đã thống nhất không thay đổi, điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Đại hội, song trong bối cảnh của giai đoạn bình thường, cần phải có tư duy, giải pháp, cơ chế mới và kế hoạch phù hợp.

 

Trong đó, chú trọng nhất là các vấn đề liên quan chính quyền đô thị gắn với triển khai các đề án có ứng dụng khoa học công nghệ, chủ trương chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số; các đề án phát triển hạ tầng, phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh... Bên cạnh đó, cần bổ sung một số thực tiễn đặt ra liên quan phát triển nguồn lao động, liên kết phát triển kinh tế vùng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

 

Đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cần bảo đảm khoa học thực tiễn cho việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế của cả nước và trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại của khu vực Đông Nam Á vào năm 2050…

 

Tại hội nghị lần thứ 10 các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến các nội dung trọng tâm gồm: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025; báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách năm 2021; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố (TP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang