Theo đó, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư CNHT theo hướng ưu tiên hỗ trợ theo chiều sâu. Trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên (bao gồm: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử – công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su – nhựa, dệt may, da giày). Mức vốn vay dự kiến được hỗ trợ lãi vay trong giai đoạn 2023-2027 là khoảng dưới 85% (đối với phần vốn đầu tư thiết bị, công nghệ và các phần mềm chuyên dùng).
Theo nhận định của Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết, nếu chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư CNHT sớm được ban hành có thể sẽ tạo ra nguồn vốn mồi khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng nhà xưởng, đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ để đáp ứng yêu cầu của các đối tác FDI, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn và hình thành các chuỗi cung ứng hiện đại, lan tỏa đến các đô thị vệ tinh xung quanh TP.Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM trong các năm vừa qua, để phối hợp triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT tại TP.HCM giai đoạn 2018 – 2020 (ngân sách TP.HCM hỗ trợ lãi suất), NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay đối với 23 dự án của doanh nghiệp CNHT.
Ngoài cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất nhằm kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT, tính đến cuối tháng 2/2023, hệ thống TCTD tại TP.HCM cũng đã cho vay ưu đãi lãi suất không quá 5% đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên khoảng 190.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT có dư nợ cho vay đạt khoảng 1.760 tỷ đồng.
|
Minh Anh