Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những hạn chế đối với ngành CNHT của TP Hồ Chí Minh, đó là phần lớn nguyên, vật liệu, thiết bị và công nghệ đều phải nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu trong việc tham gia tích cực chuỗi cung ứng toàn cầu và nếu có thì chủ yếu tham gia ở những công đoạn giản đơn, giá trị gia tăng thấp... Những tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phần lớn doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn đầu tư và trình độ kỹ thuật công nghệ còn lạc hậu… Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp CNHT khó mở rộng sản xuất, nâng cấp trang thiết bị khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các chính sách thúc đẩy CNHT chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp CNHT trên địa bàn Thành phố đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nổi bật là nguồn cung về nguyên liệu bị "đứt đoạn" đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi nguồn vật tư chưa được khắc phục, các khách hàng lớn ở châu Âu, Mỹ… liên tiếp hủy, hoặc hoãn đơn hàng khiến cho các doanh nghiệp càng thêm điêu đứng. Hiện nhiều đơn hàng xuất khẩu đã giảm hơn 50% và có thể tăng cao hơn nữa trong thời gian tới và nếu dịch bệnh không được kiểm soát, chắc chắn hoạt động của nhiều doanh nghiệp CNHT phải co lại, thậm chí là dừng sản xuất do thiếu vốn đầu tư.
Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy ngành CNHT phát triển, thời gian qua, Thành phố đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Nghị Quyết 16) về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, Thành phố cũng đang xây dựng Nghị quyết mới giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT thông qua các chương trình kích cầu. Theo đó, đến nay đã có 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp CNHT đang được thực hiện đầu tư trên địa bàn và được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, số vốn được ngân sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc nhóm CNHT là 100% trong thời gian tối đa 07 năm.
Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh chương trình kích cầu đầu tư, Sở Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố và các Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp được khoanh nợ, giãn nợ… Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tiếp cận với lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VNĐ (lãi suất không quá 5%/năm) đối với các doanh nghiệp CNHT với dư nợ đến đầu tháng 5/2020 đạt gần 156.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường kết nối và tìm đầu ra cho sản phẩm CNHT. Nổi bật là Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để nắm bắt thông tin về nhu cầu nhập khẩu, cũng như nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nước. Từ đó, Sở có những phân tích về các mặt hàng có thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu để tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh sản xuất và gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, Sở cũng đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Tổ công tác thường xuyên trao đổi với các hội ngành nghề để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tiếp tục làm việc với các Sở, ngành liên quan. Đồng thời, chủ động bố trí lịch đi thăm doanh nghiệp và mời các ngành có liên quan cùng đồng hành để thống nhất các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong buổi làm việc.
Tuấn Anh