Sản xuất công nghiệp suy giảm
Tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh hưởng giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa Nga và Ả Rập Saudi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng dịch bệnh Covid- 1 lan rộng đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới giảm mạnh, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất bị gián đoạn, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giảm so với cùng kỳ, ngành sản xuất đồ uống có tháng thứ tư liên tiếp giảm (-17,3%) so với cùng kỳ do tác động kép của dịch bệnh Covid -19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cùng Luật phòng chống tác hại rượu, bia năm 2019.
Đối với các ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng/2020 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất trang phục giảm 9,1%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có mức tăng cao như thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,6%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19,6%; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,3%...
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tình hình sản xuất công nghiệp 4 tháng/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và thực hiện biện pháp cách ly xã hội. Dự báo tình hình sản xuất của các DN trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, DN thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường giảm. Vì vậy, DN rất cần các chính sách hỗ trợ thực thi nhanh, hiệu quả để vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo PGS- TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh những biện pháp ngăn chặn dịch mạnh mẽ như cách ly xã hội đã và đang tác động sâu tới các hoạt động kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp. Do đó để vực dậy nhanh chóng nền kinh tế hậu dịch bệnh phải chú trọng đặc biệt đến cộng đồng DN. TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai rất nhanh các giải pháp hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, làm cầu nối giữa DN với ngân hàng và cơ quan thuế, tạo điều kiện gia hạn các khoản nộp thuế, tiền thuê đất… hỗ trợ DN về nguồn vốn để cơ cấu lại, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp xu thế của thị trường sau dịch.
Cụ thể thành phố sẽ hỗ trợ giảm chi phí, vốn để các DN không thể duy trì sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi sau dịch Covid-19. Liên quan trực tiếp đến miễn giảm thuế cho DN, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn các trường hợp được miễn, giảm và giãn thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, triển khai ngay việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (theo thủ tục gia hạn trực tuyến) áp dụng tại Nghị định 41 của Chính phủ; phối hợp với UBND 24 quận, huyện rà soát danh sách các hộ kinh doanh cá thể (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm) tạm ngừng kinh doanh để thực hiện hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ. Đối với chính sách về tiền thuê đất, UBND TP yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn ưu tiên miễn, giảm, hoãn thời hạn nộp tiền thuê đất do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Phạm Ngọc Hưng- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng ngoài các hỗ trợ trên, các DN cũng cần được hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để khơi thông các dự án, thúc đẩy phát triển. Một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, đồng hành cùng DN nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn này sẽ là nguồn động lực rất quan trọng giúp DN vững tin nhanh chóng vượt qua khó khăn, thử thách.
Theo Báo Công Thương