Cung - cầu hàng hóa được đảm bảo
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, tại TP Hồ Chí Minh, trong ngày 27/8, nhu cầu đặt mua hàng hóa của người dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu tăng trở lại do lượng hàng dự trữ trong dân (được mua trước ngày 23/8) đã giảm hoặc hết. Số lượng đơn đặt hàng của một số phường, xã đã tăng gấp đôi so với 3 ngày đầu siết chặt giãn cách. Tuy nhiên, do trước đó, dưới sự kết nối của Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp của Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và các kênh phân phối, nguồn hàng hóa tại các hệ thống siêu thị do đã được chuẩn bị kỹ từ trước nên vẫn bảo đảm cung ứng đủ hàng.
Đơn cử, nhà bán lẻ VinCommerce (công ty sở hữu VinMart/VinMart+) cho biết, doanh nghiệp này hiện có gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ tại tất cả các quận/phường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Mỗi phường có ít nhất một cửa hàng VinMart+ có khả năng xử lý lên đến hàng trăm đơn hàng mỗi ngày. Đây là lợi điểm lớn để hệ thống này cung ứng nhu yếu phẩm kịp thời với giá ổn định đến nhân dân. Từ ngày 23/8, TP. Hồ Chí Minh tăng cường thêm các biện pháp phòng chống dịch với chủ trương “Ai ở đâu, ở yêu đó”. Đáp ứng các quy định phòng dịch mới, nhân viên của hệ thống bán lẻ VinMart/VinMart+ thực hiện “3 tại chỗ” ngay tại siêu thị, cửa hàng để phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các combo thực phẩm và làm việc với các phường/tổ dân phố để kết nối với chương trình “Đi chợ hộ” mà TP. Hồ Chí Minh đang triển khai. Tùy theo nhu cầu của từng phường, các nhà bán lẻ đề xuất combo khác nhau, có giá chỉ từ 100.000đồng/combo gồm: Rau-củ-quả; thịt, cá, trứng, sữa, gia vị, gạo, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình... Các siêu thị cũng liên tục lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để cải tiến các combo, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Tuy nhiên khó khăn hiện nay là số lượng nhân viên được cấp giấy đi đường của các siêu thị còn thấp (10%). Do đó, có những thời điểm, tại một số siêu thị còn chậm trễ trong việc chuẩn bị hàng hóa theo đơn đặt hàng của chính quyền địa phương.
Tại tỉnh Bình Dương, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả, hiện chỉ có gần 30%, tương ứng với 28 chợ truyền thống còn hoạt động, số lượng cửa hàng tiện lợi cũng giảm khoảng 40% còn 167 cửa hàng tiện lợi và toàn bộ 11 siêu thị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Nhờ thực hiện tốt công tác chỉ đạo dự trữ hàng hóa đối với các doanh nghiệp bình ổn thị trường, phối hợp kênh phân phối của Bưu điện tỉnh và Viettel Post và các hệ thống siêu thị mở thêm nhiều điểm bán hàng cố định (57 điểm, bán luân phiên từ 10-15 điểm/ngày) và các chuyến bán hàng lưu động (6 - 8 chuyến/ngày), đến nay, nguồn cung hàng hóa vẫn luôn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện 03 tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Giá bán hàng hóa tương đối ổn định.
Cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đến thời điểm hiện tại, cung - cầu hàng hóa các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh thành đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch Covid-19 đã phần nào được đảm bảo. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định đã làm giảm công suất hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời chi phí sản xuất tăng lên, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như mì ăn liền, dầu ăn, đồ hộp… Trong thời gian tới, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, nguồn cung hàng hóa giảm, chi phí sản xuất tăng có thể dẫn đến xu hướng tăng giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong thời gian tới.
Do đó, Tổ Công tác đặc biệt đã đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất có phương án bố trí sản xuất phù hợp, hiệu quả để bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hạn chế tăng giá hàng hóa trong bối cảnh hiện nay để chia sẻ khó khăn với người dân.
Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu mua hàng trong những ngày tới của người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ còn tiếp tục tăng ở mức cao. Để hỗ trợ các hệ thống phân phối trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép bổ sung thêm nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần bổ sung thêm lực lượng đi chợ hộ dân, phối hợp với các siêu thị chuẩn bị hàng hóa phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao thời gian tới cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hoá; xem xét việc tăng cường sử dụng các nguồn lực khác như shipper giao hàng, các phần mềm ứng dụng đặt hàng trực tuyển nhận các đơn hàng đi chợ hộ người dân.
Hiện nay, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đang phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) để triển khai Chương trình “gói an sinh” của Bộ Thông tin và Truyền thông và “đi chợ hộ” của sàn thương mại điện tử Voso. Theo đó, Tổ Công tác sẽ hỗ trợ Công ty kết nối nguồn hàng và kết nối với Sở Công Thương các tỉnh để phối hợp triển khai chương trình tại địa phương. Khi chương trình được triển khai, sẽ có thêm một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả đến người dân vùng có dịch.
Theo Congthuong.vn