Thời gian qua, nhiều công ty trong nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM đã thiết lập các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật CNC. Qua đó, hình thành những dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm sự lệ thuộc linh kiện sản xuất từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNC trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Dự án công nghiệp CNC gặt hái được nhiều thành quả
Được thành lập vào năm 2002, Khu CNC TP.HCM đã phát triển mạnh mẽ sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, hiện Khu CNC đã thu hút được 160 dự án, trong đó có 70 dự án sản xuất CNC, 19 dự án dịch vụ CNC, 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC … Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn CNC nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia)...
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC của Thành phố tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP.HCM), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu Đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực CNC trong và ngoài nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khu CNC Thành phố đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ - chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp CNC, đồng thời đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động CNC, Khu CNC và được đánh giá là Khu CNC thành công nhất trong các Khu CNC quốc gia.
Mới đây, Khu CNC TP.HCM và Công ty Cadence - Công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và hệ thống điện tử, tổ chức ký kết hợp tác phát triển đội ngũ nhân lực thiết kế trong lĩnh vực điện tử và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Việc hợp tác sẽ có đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu CNC TP.HCM, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TP.HCM cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Michael Shih - Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Cadence cũng nhìn nhận: Khu CNC TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành CNC và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Bằng việc cung cấp quyền truy cập vào các phần mềm của Cadence, ông Michael Shih mong muốn việc trang bị cho các thế hệ kỹ sư tương lai những kỹ năng cần thiết sẽ góp phần vào sự phát triển CNC tại Việt Nam.
Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam đóng tại Khu CNC TP. HCM là nhà máy chủ lực của Tập đoàn Datalogic S.p.A - một trong ba nhà sản xuất máy đọc mã vạch lớn nhất thế giới. Với hệ thống dây chuyền tự động hóa lên đến khoảng 80%, quy mô sản xuất của Datalogic Việt Nam chiếm từ 75-80% tổng sản phẩm máy đọc mã vạch của cả tập đoàn. Hiện, sản phẩm của Datalogic Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45%; châu Mỹ từ 30-35%; tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 1%; còn lại xuất khẩu sang châu Á, châu Phi.
Ngoài việc chú trọng cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, Datalogic Việt Nam còn đẩy nhanh số hóa trong sản xuất. Một trong những ứng dụng mang lại hiệu quả cao là hệ thống phân công tự động. Sử dụng hệ thống này, tất cả dữ liệu phân công làm việc cho công nhân đều được phần mềm “trí tuệ nhân tạo” lập trình hằng ngày thay vì phân công thủ công như trước đây. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, kỹ năng của từng công nhân, hệ thống sẽ tự động hóa quy trình và giờ giấc làm việc để phân bổ công việc cho công nhân phù hợp, chính xác.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, hệ thống quản lý chặt chẽ, nên sản phẩm của công ty bảo đảm tính chuẩn xác, giảm sai số và tối ưu hóa nguồn lao động. Hiện, 100% đội ngũ lãnh đạo và công nhân lao động của công ty đều là người Việt Nam...
Tiếp tục mở rộng liên kết, xây dựng nhiều chính sách phát triển công nghiệp CNC
Ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng CNC của TP.HCM không nên chỉ bó hẹp phạm vi trong địa giới hành chính của thành phố mà phải tiếp cận theo hướng mở rộng ra toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là liên kết công nghiệp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là chiến lược không thể xem nhẹ nhằm tăng khả năng hấp thu tri thức và công nghệ, tăng cường kết nối với các trung tâm R&D, Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới và kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Để thực hiện được mục tiêu này, lĩnh vực dịch vụ công của nhà nước như thuế, hải quan, giấy phép,... phải được tổ chức theo mô hình dịch vụ một cửa, tự động và chuyên nghiệp, chuyển từ cách tiếp cận theo giải pháp sang cách tiếp cận theo vấn đề, từ nhu cầu độc lập sang phụ thuộc lẫn nhau và từ lợi ích đơn sang lợi ích mạng lưới. Cơ quan điều phối phải đảm bảo duy trì liên tục và thông suốt các kênh liên lạc hữu hiệu giữa thành viên trong mạng lưới, đối tác bên ngoài...
Song song đó, chính quyền địa phương tăng cường sáng tạo trong các lĩnh vực, hướng đến nền công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ thông minh và số hóa. Trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP.HCM xác định ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Trước thực trạng trên, ngành công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp và khai thác tốt lợi thế tiềm năng của ngành, nhất là tận dụng hiệu quả tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, việc hình thành và đi vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng CNC cũng được TP.HCM xác định là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp.
Vì vậy, cùng với cơ chế, chính sách cần thiết cho việc hình thành, quản lý hoạt động của khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng CNC của thành phố, rất cần sự đồng hành của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo ông Võ Văn Hoan, đối với việc hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng CNC, TP.HCM đang tham vấn và trao đổi với chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước về kinh nghiệm kêu gọi thu hút đầu tư nhằm đề xuất, hiến kế cho thành phố những giải pháp hiệu quả. Cùng với đó là những mô hình hoạt động, vận hành của khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng CNC phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM.
Trường An