Người dân “săn” thực phẩm sạch
Do sự báo động về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua nhiều hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh đã liên tục tìm kiếm những “địa chỉ đỏ” cung cấp nguồn thực phẩm an toàn để tránh mua phải thịt heo cho ăn chất tạo nạc, tăng trọng hay rau củ quả nhúng thuốc bảo vệ thực vật… Bà Đặng Ngọc Bích (quận Bình Thạnh) cho biết, dù nhà ở ngay sát chợ nhưng gia đình bà không dám mua thực phẩm ở chợ về chế biến. Để đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho các thành viên trong gia đình an toàn đảm bảo tuyệt đối bà Bích đã nhờ chính anh chị em ở quê mua thực phẩm kiểu “cây nhà lá vườn” từ miền Tây rồi đóng thùng kín gửi theo xe khách lên thành phố.
Nỗi lo về thực phẩm bẩn không của riêng ai, bà Ngô Hoài Giang (quận Gò Vấp) chia sẻ, gia đình tôi thường nhờ người quen ở các tỉnh tìm mối cung cấp thực phẩm sạch. Có thể giá cả sẽ đắt hơn nhưng tôi đồng ý trả giá cao để bảo vệ sức khỏe thành viên trong nhà.
Trước thực trạng này, TP. Hồ Chí Minh đã chủ đồng phối hợp cùng các tỉnh có nguồn cung rau củ quả, thịt sạch… để tạo nên chuỗi sản phẩm khép kín, giảm thiểu tình trạng thực phẩm bẩn được tuồn vào thành phố. Điển hình,thành phố thực hiện chương trình kết nối cung - cầu với các tỉnh nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Cụ thể, tổng sản lượng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường đạt 37.418 tấn/năm. Trong đó, chuỗi rau quả cung ứng 17.836 tấn/năm, chuỗi nước mắm 3,6 triệu lít năm, chuỗi thủy sản cung ứng sản lượng 1.576 tấn/năm…
Tăng cường điểm bán thực phẩm sạch
Theo Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP được kiểm tra nghiêm ngặt đầu vào từ các quy trình sản xuất đến khâu phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Để người tiêu dùng an tâm mua sắm thực phẩm an toàn thành phố chủ động công bố sản phẩm của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Saigon Co.op,Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Hợp tác xã rau sạch Hoa Anh Đào… Ngoài ra, thành phố còn mở rộng hệ thống phân phối đến các cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống… Tính đến nay, thành phố đã có 246 địa điểm phân phối sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực phẩm an toàn.
Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan - cho biết, trước nhu cầu dùng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng, từ ngày 15/4/2016 Vissan sẽ cung cấp 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống quầy kinh doanh thịt tươi sống của công ty. Số lượng các điểm bán thịt tươi sống gồm 146 điểm tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị, các tỉnh lân cận. Sản lượng thịt heo VietGAP cung ứng ra thị trường dự kiến khoảng 70 - 90 tấn/ngày, toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đều được sự kiểm soát chặt chẽ của đơn vị chức năng.
Theo Saigon Co.op, một số mặt hàng thuộc nhóm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP bán tại siêu thị luôn có mức tăng trưởng bình quân hơn 2,5 lần. Vì vậy, thời gian tới doanh nghiệp sẽ duy trì kinh doanh thực phẩm an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Báo Công Thương