Kỳ vọng tăng xuất khẩu nhờ EVFTA
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh- Dương Anh Đức- EU là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống của TP. Tính đến nay, EU có 909 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư vào TP với tổng vốn 3,17 tỉ USD. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của TP sang thị trường EU đạt 5 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 3,6 tỷ USD. Trong 9 tháng/ 2020 kim ngạch xuất khẩu của TP sang thị trường EU đạt 3,7 tỷ USD, trong đó nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là ngành dệt may, giày dép.
Xét về cơ cấu mặt hàng, sản phẩm xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh và EU không đối đầu, không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ cho nhau. TP chủ yếu xuất vào EU các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản các loại và ngược lại nhập khẩu từ EU máy móc thiết bị sản xuất hiện đại, dược phẩm, mỹ phẩm...
Việc thực thi hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp TP. Hồ Chí Minh và EU tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư. Nhất là trong điều kiện Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang có sự kiểm soát dịch bệnh tốt dịch bệnh bệnh, là môi trường lý tưởng và an toàn cho các nhà đầu tư EU nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.
Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch của EuroCham, trong thời gian ngắn, thương mại toàn cầu sẽ vẫn khó có thể dự báo trước, nhưng các DN EU hoàn toàn tin tưởng rằng DN châu Âu sẽ là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn ở Việt Nam nhất khi EVFTA đã được thực thi.
Chủ động thực thi EVFTA từ nhiều phía
TP. Hồ Chí Minh không thụ động chờ EVFTA có hiệu lực mà từ khi EU thông báo thông qua EVFTA vào tháng 10/2018, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN nhằm đón nhận cơ hội từ EVFTA với trọng tâm là hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa, nắm vững lộ trình cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng xuất khẩu, xem đây là yếu tố then chốt để DN được hưởng thuế xuất ưu đãi từ EVFTA.
Theo đó, TP xác định 2 nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU. Thứ nhất là nhóm nông nghiệp, nổi bật là café, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu từ các tỉnh đưa về thành phố chế biến và xuất khẩu đi EU. Thứ hai là sản phẩm công nghiệp, ngoài dệt may, da giày. Ngoài ra, TP còn có lợi thế xuất khẩu về công nghệ thông tin và các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.
Việc xác định các nhóm sản phẩm xuất khẩu sẽ là cơ sở quan trọng để TP đẩy mạnh liên kết vùng, gia tăng thế mạnh của từng địa phương. Trên thực tế, hầu hết nông sản xuất khẩu đi EU qua cửa khẩu TP là nông sản từ các tỉnh, và ngược lại nhập khẩu máy móc, thiết bị từ EU là để trang bị cho các tỉnh. Điều này cho thấy TP giữ vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía Nam.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP sẽ thực hiện thêm nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu để khai thác sâu đối với thị trường quan trọng EU. Đồng thời, TP triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối DN nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi cung ứng khu vực châu Á và kết nối với DN FDI, nhất là các DN FDI của EU.
Để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả những lợi ích từ EVFTA, TP sẽ tăng cường tập huấn chuyên sâu về EVFTA cho từng nhóm DN, không dàn trải mà tập trung vào vấn đề DN cần như về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Các ngành liên quan của TP cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 DN hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.
Đặc biệt, do TP là cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía Nam. Do đó, chiến lược của TP là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu phát triển về hạ tầng logictis để cùng với các tỉnh thành đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn với chi phí thấp hơn.
Theo congthuong.vn