Thứ Sáu, 22/11/2024 11:26:04 GMT+7
Lượt xem: 10521

Tin đăng lúc 18-09-2017

TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Xưa nay, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh luôn là nơi quần cư, hội tụ những con người năng động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Chủ trương, chính sách, cơ chế chung thông thoáng đã thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tư nhân ở đây phát triển.
TP Hồ Chí Minh thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Kinh tế tư nhân trở thành động lực mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với nỗ lực tự thân của DN, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng cho đô thị này.

Phong phú, đa dạng về ngành nghề

Gần 30 năm hoạt động, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) hiện là một trong số DN hàng đầu trong ngành cơ khí chính xác của nước ta. Có dịp tham quan và làm việc với DN này, chúng tôi chứng kiến các công nhân chăm chú bên những chiếc máy công cụ hiện đại, điều khiển bằng chương trình số (máy CNC) để tạo ra những chi tiết máy, khuôn mẫu chính xác, tinh xảo, xinh xắn. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty, đồng thời là Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Ðiện TP Hồ Chí Minh Ðỗ Phước Tống cho biết: "Ðể mở rộng quy mô sản xuất, làm ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu nhằm đáp ứng các đơn hàng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chúng tôi đã làm thủ tục nhận đất tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh; năm 2018 bắt đầu xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị và cơ sở mới này sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019".

TP Hồ Chí Minh là nơi thu hút lượng khách du lịch hằng năm nhiều nhất trong cả nước, do vậy, số DN kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây cũng rất hùng hậu. Có trụ sở chính đặt tại trung tâm quận 1, gần 20 năm nay, Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt (Du lịch Việt) được biết đến là một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chuyên thực hiện các dịch vụ du lịch cao cấp; thiết kế và thực hiện các tua du lịch tham quan, hành hương, nghỉ dưỡng kết hợp thăm người thân trong nước và nước ngoài. Du lịch Việt cũng đã chính thức đặt văn phòng đại diện tại Mỹ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt Trần Văn Long tự tin: "Tính riêng khối DNTN đang kinh doanh lữ hành du lịch ở nước ta hiện nay thì Du lịch Việt đứng ở tốp đầu. Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến; khai thác các tuyến, điểm du lịch mới lạ ở Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mi-an-ma…".

Hai đơn vị nêu trên là những DNTN ở TP Hồ Chí Minh đã khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Trên địa bàn thành phố hiện nay, dường như ở đâu cũng có DNTN đang hoạt động với ngành nghề hết sức phong phú, đa dạng. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, số lượng DN của thành phố tăng gần 11 lần so với năm 2003. Riêng trong năm 2016, không kể DN FDI, đã có hơn 36 nghìn DN đăng ký thành lập mới, nâng tỷ trọng kinh tế tư nhân (KTTN) trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố từ 50,6% giai đoạn 2006-2010 lên 58,83% trong năm 2016. Tương ứng, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của KTTN trong tổng thu các khu vực kinh tế tăng từ 30% trong năm 2006 lên 34% trong năm 2016.

Tuy vậy, DNTN ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu là DN nhỏ và vừa (chiếm gần 99%), trong đó DN siêu nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng) chiếm hơn 89%. Số DN tham gia đầu tư sản xuất không nhiều, chủ yếu là kinh doanh thương mại, sửa chữa nhỏ. Cùng với đó, trình độ công nghệ thấp, chậm đổi mới; năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh thấp; trình độ quản trị, tính liên kết không cao; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế thấp…, cho nên khả năng cạnh tranh còn yếu.

A2.

Cần có sự đồng hành thiết thực hơn

Sau khi có Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN, TP Hồ Chí Minh đã tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch; nhiều chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành kịp thời… góp phần thúc đẩy khu vực KTTN phát triển. Thực tế cho thấy, khu vực KTTN ở TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách, tạo sức mạnh tăng trưởng đột phá của thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, tính chung cả nước, đến năm 2016, KTTN mới chiếm tỷ trọng 39 đến 40% GDP, thì ở TP Hồ Chí Minh, khu vực KTTN đã đóng góp vào GDP của thành phố hơn 50%.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trở ngại vướng mắc về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNTN. Là người có nhiều năm trong ngành cơ khí, ông Ðỗ Phước Tống chia sẻ, Việt Nam đã và đang ký kết, đàm phán tham gia hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cơ khí dễ dàng hơn, nhưng cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong nước. Trong nội dung đàm phán để ký FTA có nội dung về lộ trình cắt giảm thuế, nhưng với ngành cơ khí chính xác, nước ta đã thật sự ưu đãi thuế nhập khẩu từ hơn 30 năm qua. Có điều, khi nhập máy móc hoàn chỉnh thì không chịu thuế (thuế suất bằng 0), trong khi nhập linh kiện để sản xuất máy móc trong nước lại bị chịu thuế. "Khoản 5, điều 10 Luật Thuế xuất, nhập khẩu 2016 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-9-2016 có quy định: Thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô. Vận dụng với ngành cơ khí, khi thuế suất nhập khẩu máy móc hoàn chỉnh là 0% thì linh kiện nhập về để sản xuất máy móc cũng phải là 0%. Thế nhưng, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể, DN vẫn phải chịu thuế suất 5% đến 15% tùy món hàng linh kiện nhập khẩu", ông Ðỗ Phước Tống nói.

Cũng liên quan đến nhập khẩu, nhưng Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật tự động ETEC, đồng thời là Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú Nguyễn Viết Toàn thì bức xúc về khâu thông quan. Ông Toàn cho biết, hiện nay, Hải quan TP Hồ Chí Minh không chấp nhận giá khai báo hàng hóa của nhiều DN, trong đó có ETEC, yêu cầu phải có tham vấn giá. Hệ lụy là hàng hóa chậm thông quan, ùn ứ tại cửa khẩu cảng; rồi thêm thủ tục rườm rà, tăng thêm chi phí cho DN, chưa kể nguy cơ phát sinh nhũng nhiễu tiêu cực.

Nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của thành phố còn chậm; DN trong nước khó cạnh tranh với DN FDI… Nhiều doanh nhân cũng nhìn nhận: Hiện DN thì nhiều nhưng để tồn tại và phát triển được là không dễ. Do vậy, Nhà nước cần tạo dựng một hành lang pháp lý thật sự minh bạch để bảo vệ các DN sản xuất, kinh doanh chân chính; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động…

Ðể DNTN phát triển bền vững

Mới đây, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, thành phố tiếp tục đồng hành cùng DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển DN bền vững, theo hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực thành phố khuyến khích phát triển; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Hình thành nhiều DN mạnh, trong đó có DN nằm trong nhóm 500 DN hàng đầu thế giới. Cụ thể, đến năm 2020, thành lập mới thêm 200 nghìn DN; khu vực KTTN đóng góp 65% GRDP của thành phố, 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động xã hội tăng 6,5%/năm; hằng năm, có từ 30 đến 35% số DN có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Chương trình hành động của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã đề ra hệ thống nhiệm vụ, giải pháp toàn diện để triển khai thực hiện. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nền kinh tế nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, thì động lực quan trọng nhất là sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tiền đề hết sức quan trọng là sự công khai minh bạch. Bắt tay ngay vào triển khai chương trình hành động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND thành phố khẩn trương rà soát chương trình hỗ trợ vốn cho DN nói chung và DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng để công bố chính sách hỗ trợ vốn cho DN mới; đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên; khuyến khích các DN thành lập mới hướng vào sản xuất các thiết bị đầu cuối để phục vụ xây dựng đô thị thông minh.

Về việc hỗ trợ toàn diện các yếu tố cơ bản để DN lớn mạnh, trước mắt, trong quý IV năm nay, UBND thành phố rà soát các khu công nghiệp và từ năm 2018, công bố chính thức khu công nghiệp được chọn dành cho DN mới với điều kiện nhất định, có tính cạnh trạnh. Sở Khoa học và Công nghệ cùng các ban, ngành liên quan của thành phố phối hợp tìm hướng hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo hoạt động thuận lợi nhất; nhất là cần có khu đất riêng để các DN có điều kiện phát triển…

Mặt khác, hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp của thành phố cần hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với khu vực KTTN, nhất là trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang