Hệ thống kênh rạch trong khu vực nội thành TP.HCM có chiều dài khoảng 76km với 5 tiểu lưu vực chính gồm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Kênh Đôi, Kênh Tẻ - Bến Nghé, Bến Cát - Vàm Thuật. Theo tính toán, mật độ kênh rạch khu vực các quận nội thành hiện đang ở mức rất thấp và không có lợi cho việc thoát nước. đáng lưu ý một số kênh do nạo vét quá sâu nhưng bề rộng mặt cắt bị thu hẹp đến 50%. Theo thống kê hiện nay có đến 60%-70% chiều dài của các tuyến kênh trong nội thành bị ô nhiễm nặng.
Quản lý chất thải rắn cũng đang là bài toán khó đối với các nhà khoa học và cơ quan chức năng ban ngành. Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh mỗi ngày của thành phố vào khoảng 7.500- 8.000 tấn/ngày, trong đó bao gồm chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải y tế... ước tính tỷ lệ gia tăng mỗi năm khoảng 8%-10%/năm. Hiện nay có đến 90% chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Giải pháp này vừa tốn quỹ đất của thành phố vừa gây ô nhiễm môi trường nước, đất. ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của người dân xung quanh các bãi rác chôn lấp.
Ô nhiễm không khí cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trên địa bàn thành phố. Thống kê toàn bộ số liệu quan trắc tại 15 vị trí quan trắc cho thấy có đến 45,45% giá trị quan trắc không đạt chất lượng quy chuẩn Việt Nam của bộ TN&MT. Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Khi môi trường không khí bị ô nhiễm sức khỏe con người cũng bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể diễn ra nhanh, chức năng phổi bị suy giảm, gây ra các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, tim mạch và làm giảm tuổi thọ của con người. Các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người đang mang bệnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên dẫn đến tình trạng môi trường của thành phố vẫn còn nghiêm trọng là do thành phố còn thiếu và yếu từ cơ sở vật chất, hạ tầng đến năng lực của con người. Cụ thể, thành phố còn thiếu các công nghệ xử lý chất thải, nước thải hiện đại; chưa hoàn chỉnh mạng lưới quan trắc chất lượng các thành phần môi trường, chưa cung cấp kịp thời chất lượng môi trường cũng như chưa có sự kết nối dữ liệu quan trắc với các tỉnh lân cận; lượng nước phát thải, rác thải phát sinh chưa được thu gom xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường TP.HCM cho biết, để khắc phục những hạn chế này, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội; hoàn thiện hệ thống quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tăng đầu tư, đồng thời có các cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực bảo vệ môi trường.
Nguồn Nguoitieudung