Cùng với xu thế toàn cầu hóa kinh tế, xu hướng chống toàn cầu hóa diễn ra ngày càng rõ nét và gia tăng. Theo thống kê của Ủy ban APEC Việt Nam 2017, từ năm 2009 đến nay, chỉ tính riêng các nước G20 đã đưa ra tới 1.700 biện pháp nhằm hạn chế tự do hóa thương mại, tức trung bình mỗi tháng có khoảng 17 biện pháp mới được đưa ra. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có vai trò quan trọng trong TTP, khi tân Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền đã quyết định rút khỏi TPP, xóa bỏ thành quả đàm phán, xây dựng TTP từ chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Obama, khiến các nước tham gia đàm phán TTP thất vọng.
Tuy nhiên, không có TTP không có nghĩa là toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại bế tắc. Giới chuyên gia nhận định rằng, TTP không thành, APEC có thể giúp các nước đàm phán TTP đưa ra cơ chế thực hiện được các thỏa thuận từ quá trình đàm phàn TTP. Bởi lẽ, APEC là một cơ chế hợp tác hội tụ các nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực và thế giới, trong đó bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga… với tiềm lực GDP chiếm tới 60% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 40% dân số và khoảng 60% thương mại thế giới.
APEC là một trong ít diễn đàn kinh tế có số lượng các nhóm công tác về các nội dung hợp tác lớn nhất trên nhiều lĩnh vực kinh tế, là diễn đàn kinh tế duy nhất trên thế giới (tính đến nay) có sự tương tác chặt chẽ giữa kênh Chính phủ và doanh nghiệp (đối thoại trực tiếp), đi đầu trong thúc đẩy liên kết kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, trong bối cảnh TTP đi vào “ngõ cụt”, vai trò thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại của APEC là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 cho biết, đã có nhiều nước và nhiều doanh nghiệp lớn APEC kỳ vọng Việt Nam với vai trò chủ nhà APEC 2017 sẽ dẫn dắt nền kinh tế khu vực tiếp tục xu hướng toàn cầu hóa, phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, dù TTP được xác định là một nhân tố quan trọng, song không có TTP thì quá trình hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó APEC là một định chế quan trọng đối với Việt Nam. Thực tế tiến trình hội nhập APEC của Việt Nam đã có những bước đi rất nhanh và hiệu quả. Nếu như cách đây 10 năm (kể từ APEC 2006 Việt Nam đăng cai) Việt Nam mới ký kết có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác APEC, thì đến 2017 đã có tới 16 FTA được ký kết và đang đàm phán. Năm 2006, Việt Nam mới có 2 đối tác chiến lược toàn diện trong APEC, đến 2017 đã có tới 13/16 đối tác chiến lược toàn diện là thuộc APEC.
Trong khuôn khổ APEC 2017, với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã lựa chọn, đề xuất 4 nội dung quan trọng ưu tiên trong nghị sự thượng đỉnh và được các thành viên APEC ủng hộ, bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế khu vực; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ trong kỷ nguyên số.
Việc lựa chọn các nội dung ưu tiên trên không chỉ đơn thuần bởi các nền kinh tế trong APEC có tầm vóc lớn về quy mô, mà Việt Nam và các nền kinh tế APEC còn mong muốn tiếp tục thúc đẩy liên kết, phát huy tốt hơn tính tiên phong về sáng tạo của mình... Đặc biệt, tất cả các nội dung ưu tiên thảo luận, hợp tác nêu trên của chương trình nghị sự thượng đỉnh APEC 2017 đều có liên quan và nhằm tới mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh doanh...
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, APEC hiện đang giữ vai trò quan trọng thúc đẩy mở cửa, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều là nguyên thủ quốc gia, hoặc đứng đầu các Chính phủ (trừ Hồng Kông, Đài Loan thuộc Trung Quốc) với những bộ óc, trí tuệ lớn, tư duy lớn, tài năng kinh doanh lớn thành công của 60% nền kinh tế thế giới sẽ hội tụ về Việt Nam dự APEC trong tháng 11/2017 để bàn các xu hướng, biện pháp thúc đẩy liên kết kinh tế, phát triển thương mại và đầu tư… trong khu vực. Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống kinh tế thế giới, là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam tận dụng để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, tăng trưởng kinh tế khu vực và cho quốc gia./.
Theo Bộ Ngoại giao: APEC là một trọng tâm trong hoạt động đối ngoại đến 2025 của Việt Nam. Trong dịp APEC 2017, Việt Nam sẽ đón khoảng 10.000 lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới, còn lại là các đoàn công tác Chính phủ. |
Nguồn Báo Công Thương