Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) được thể chế hoá trong Chương quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Chương VII dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường 2020.
Mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế, tăng tỷ lệ tái chế; từng bước thiết lập ngành công nghiệp tái chế và phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nói cách khác, EPR là công cụ hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường hơn, có lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở Việt Nam, qua đó, hướng tới thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường.
Theo dự thảo Nghị định, hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 52 ban hành kèm theo Nghị định là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 58 là đối tượng phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Quy định này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm, bao bì được sản xuất, nhập khẩu để bán, tiêu dùng và thải bỏ tại Việt Nam; không áp dụng đối với sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất.
Các sản phẩm quy định tại Phụ lục 52 là một số sản phẩm thuộc các ngành hàng điện, điện tử; pin- ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông và máy móc công trình; bao bì các loại.
Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm này được lựa chọn một trong 2 hình thức để thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, một là, tổ chức tái chế (ở hình thức này nhà sản xuất có 3 lựa chọn bao gồm: tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế có đủ điều kiện, ủy quyền cho bên thứ ba tổ chức tái chế); hai là, có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Đối với các sản phẩm quy định tại Phụ lục 58 gồm một số sản phẩm thuộc ngành hàng: bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng, hóa chất khử trùng, hóa chất tẩy các loại; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; sản phẩm, bao bì sử dụng nhựa như một thành phần nguyên liệu… là những sản phẩm có tính độc hại, không có khả năng tái chế hoặc tái chế với tỷ lệ thu hồi thấp, hoặc không thể thu hồi được thì các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải.
Mức đóng góp theo định mức do Nghị định quy định căn cứ vào lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Quỹ Bảo vệ Môi trường sử dụng khoản thu được để hỗ trợ các hoạt động: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Dự thảo Nghị định đưa ra lộ trình cho việc thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu với mức độ yêu cầu tái chế sẽ tăng dần để đảm bảo doanh nghiệp có khả năng thích nghi dần. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Như vậy, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng nên cân nhắc việc thay đổi các thiết kế sản phẩm, lựa chọn sản xuất, nhập khẩu sản phẩm theo hướng sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn để giảm thiểu chi phí thực hiện EPR trong tương lai.
Minh Anh